Hàng trăm năm qua, ca trù Việt Nam vẫn có sức sống mạnh mẽ và bền bỉ. Hơn 10 năm kể từ ngày ca trù Việt Nam được UNESCO ghi danh vào các di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, các địa phương đã có nhiều nỗ lực để gìn giữ di sản. Giữa muôn vàn giai điệu hiện đại, khi tiếng hát ả đào cất lên, lòng người vẫn xốn xang lay động những cung bậc cảm xúc.
Giai điệu vượt thời gian
Ngày 1/10/2009, tại Abu Dhabi thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, UNESCO chính thức công bố danh sách các di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Sở dĩ Việt Nam đưa ca trù vào danh sách đề cử di sản cần được bảo vệ khẩn cấp vì mặc dù trong khoảng 15 năm trước, ca trù đã được phục hồi nhưng nguy cơ thất truyền những bài hát, thể cách của ca trù xưa đang được đặt ra như là một thách thức không dễ gì giải quyết được.
Tiết mục biểu diễn dự thi của CLB ca trù Thăng Long tại Liên hoan Tài năng trẻ ca trù Hà Nội năm 2016. Ảnh Internet
Từ ngày đó đến nay, Bộ VH-TT&DL và 15 địa phương có ca trù, mỗi nơi một cách đều đã có những động thái tích cực để bảo vệ khẩn cấp di sản như: Lập đề án, kế hoạch, chương trình hành động bảo vệ ca trù, tổ chức tuyên truyền, hội thảo, liên hoan, tập huấn, sáng tác, biểu diễn… Nhiều nhạc sĩ đã lấy chất liệu ca trù cho các sáng tác mới của mình. Nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác bài “Trên đỉnh Phù Vân”, nhạc sĩ Nguyễn Cường sáng tác “Mái đình làng biển” được nhiều ca sĩ “thử sức” và thành công trong các cuộc thi. Đặc biệt, có những ca sĩ trẻ như Phương Thảo đã làm MV “Hết đứng lại ngồi” viết về tình yêu, tuổi trẻ, mùa xuân có sử dụng chất liệu ca trù và đã thành công.
Khác với các loại hình âm nhạc dân gian khác như ví giặm, hát xoan, đờn ca tài tử…, ca trù rất “kén” người sáng tác và cả người hát. Không gian cửa đình, tính chất bác học của các thể cách đàn, hát cùng nhịp phách chậm rãi, đều đặn đã khiến giới trẻ thời hiện đại ít người mặn mà.
Nhưng, như một sự “chọn mặt gửi vàng”, những ca nương, kép đàn nào đã mê mẩn với lời ca, tiếng đàn, điệu hát, nhịp phách, tiếng “tom, chát” của trống chầu thì gần như gửi trọn cả niềm đam mê, theo cùng năm tháng. Các ca nương, kép đàn của CLB Ca trù Thăng Long đã làm mê mẩn biết bao lữ khách, trong đó có khách nước ngoài, như: Phạm Thị Huệ, Nguyễn Huệ Phương, Nguyễn Thùy Chi… CLB Ca trù Hải Phòng cũng có nhiều nỗ lực bảo tồn di sản, trong đó có những kép đàn 95 tuổi như Trần Trọng Quế, ca nương Đỗ Quyên 64 tuổi và quan viên Lê Anh Tùng 13 tuổi. Đây là một trong những CLB nổi danh bởi 13 năm qua đã từng giành 10 HCV, HCB trong 4 kỳ liên hoan ca trù toàn quốc.
Các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình và TP Hồ Chí Minh cũng đều có những nỗ lực bảo tồn di sản, làm cho âm điệu ca trù ngân vọng theo thời gian và không gian.
Hà Tĩnh có 2 CLB hoạt động thường xuyên, các nghệ nhân ca trù luôn tâm huyết với nghề, trong đó 3 người đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Ảnh: Đậu Hà
HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng vừa thông qua Đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa: Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh; ca trù Hà Tĩnh, Truyện Kiều và Mộc bản Phúc Giang. Hơn 10 năm qua, Nghi Xuân - miền đất hát của Hà Tĩnh đã thành lập, duy trì 2 CLB ca trù là CLB Ca trù Cổ Đạm và CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ. Huyện cũng đã duy trì và phát triển phong trào đưa dân ca vào trường học. Nhiều ca nương trẻ của Nghi Xuân đã thay thế những ca nương khuất núi và tiếp tục trao truyền di sản cho hậu sinh như: Dương Thị Nết, Hà Thị Xanh, Nguyễn Thị Vân… Các ca nương lên sân khấu hiện nay đều dưới 55 tuổi. “Tre già măng mọc”, nhiều gương mặt trẻ đã thành công trong các kỳ liên hoan toàn quốc như Thu Hà 16 tuổi, Quỳnh Như 12 tuổi…
Hội ngộ cùng di sản
Thể cách tứ quý khúc tình quê do CLB Ca trù Cổ Đạm và CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ - Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Ca trù toàn quốc 2018 tại Hà Tĩnh. Ảnh PV
Kỷ niệm 240 năm ngày sinh và 160 năm ngày mất của danh nhân Nguyễn Công Trứ lần này, 15 đoàn nghệ thuật, CLB của 13 tỉnh, thành đã cùng về hội ngộ như là hành động tưởng nhớ, tri ân với người đã sáng tác rất nhiều lời hát cho ca trù và có công trao truyền di sản đến hậu thế.
Theo nhạc sĩ Đặng Hành Loan - Tổng đạo diễn, cố vấn nội dung của Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018, khác với những lần liên hoan trước, liên hoan lần này hoàn toàn là thế hệ kế cận tham gia, trong đó có nhiều người trẻ trên dưới 15 tuổi. Sự tham gia đông đảo của lớp đào nương mới cho thấy sức sống của ca trù trong xã hội đương đại. Đây là cơ hội để nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về di sản ca trù cũng như khuyến khích, động viên những người đam mê loại hình nghệ thuật này.
Thể cách chúc hỗ hát mừng do ca nương Phan Thị Sâm thể hiện tại Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018. Ảnh PV
Thêm một lần nữa, bạn bè cả nước có dịp hiểu thêm về các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại Hà Tĩnh, tìm lời giải cho câu hỏi: Vì sao các di sản văn hóa nhân loại có sức sống mạnh mẽ và bền lâu tại vùng đất Nghi Xuân nói riêng, Hà Tĩnh nói chung như vậy? Về Giáo phường ty Cổ Đạm hay về Tiên Điền, vang vọng cùng tiếng đàn, nhịp phách, lời hát nhấn nhá uyển chuyển mà da diết của ca trù còn có lời ca ví, giặm mượt mà, sâu lắng ân tình, rồi trò Kiều, lẩy Kiều độc đáo… Cả một miền quê nông thôn mới Nghi Xuân đang bừng thức bởi tiếng hát của hơn 100 CLB dân ca của 19 xã, thị trấn.
Ông Nguyễn Cảnh Thụy - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho biết: Cùng với các tỉnh, thành, Hà Tĩnh đã nỗ lực đưa ca trù ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và sẽ tiếp tục gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa thế giới, đưa Đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa: Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh; ca trù Hà Tĩnh, Truyện Kiều và Mộc bản Phúc Giang từng bước trở thành hiện thực, làm cho ca trù sống mãi với thời gian.
Theo Baohatinh.vn
Bình Luận Mới
Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn! Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại