Chào mừng quý vị đã đến với Cổng thông tin điện tử huyện Nghi Xuân
Giáo dục 19:31 24/10/2023 (767)

Ban Thường vụ Huyện ủy Nghi Xuân làm việc với ngành giáo dục - đào tạo

Cỡ chữ
Chiều 24/10, Ban Thường vụ Huyện ủy Nghi Xuân đã có chương trình làm việc với ngành giáo dục - đào tạo để nghe tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua và cho ý kiến Dự thảo Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện “Về phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trên địa bàn huyện giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo”.

 

Bí thư Huyện ủy Phan Tấn Linh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy – Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Việt Hùng chủ trì buổi làm việc.

Toàn huyện Nghi Xuân hiện có 48 trường mầm non, phổ thông công lập với 793 lớp. Năm học 2022 - 2023, Phòng GD&ĐT huyện tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, đồng thời thực hiện công tác đổi mới giáo dục toàn diện và đạt kết quả cao.

Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến trường đạt tỷ lệ 96,39%; tỷ lệ học sinh tiểu học được đánh giá hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,4%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,28%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 100%, cả 3 trường THPT thuộc tốp 10 của tỉnh.


Đại biểu tham dự.

Trong năm học, toàn huyện có 6 học sinh giỏi quốc gia, 123 học sinh giỏi tỉnh; Nghi Xuân có 205 học sinh có điểm xét tuyển đại học, cao đẳng từ 27 điểm trở lên, học sinh có điểm xét tuyển đại học cao nhất là 29,5 điểm. Tỷ lệ học sinh giáo dục thường xuyên cấp THPT tham gia học nghề đạt 99,7%, cao hơn mức bình quân toàn tỉnh; học sinh tham gia Đại hội Điền kinh - Thể thao cấp tỉnh đạt kết quả tốt, toàn đoàn xếp thứ 4.


Hiệu trưởng Trường THCS Thành Mỹ Ngụy Thị Tố Tâm: “Mong muốn được quan tâm hơn nữa đến đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung giáo viên còn thiếu”. 

Đến nay toàn huyện Nghi Xuân có 33/48 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 68,7%), trong đó đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 có 12 trường; mức độ 2 có 21 trường. Công tác bồi dưỡng đội ngũ đạt kết quả tốt, có 16 giáo viên THCS và 9 giáo viên chủ nhiệm cấp tiểu học đạt giáo viên giỏi tỉnh.

UBND huyện và các địa phương đã tập trung nguồn lực gần 100 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học; quan tâm đầu tư trang thiết bị phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin.

Kết quả thi đua cuối năm học vừa qua có 1 đơn vị được UBND tỉnh đề nghị Chính phủ tặng cờ thi đua, 3 đơn vị được nhận cờ thi đua của UBND tỉnh, 5 đơn vị đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và 29 cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen.


Trưởng Phòng Nội vụ huyện Hoàng Sỹ Vinh: “Phòng đang tham mưu với lãnh đạo huyện để có các giải pháp bổ sung số giáo viên còn thiếu...”. 

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới; huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất trường học; việc quản lý nguồn thu xã hội hóa; công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại viên chức quản lý ngành giáo dục; việc giải quyết chế độ chính sách cho giáo viên dạy thêm ngoài giờ; công tác quản lý dạy thêm, học thêm…

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Phan Tấn Linh nhấn mạnh: Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận, ủng hộ, chung tay của toàn xã hội, Giáo dục và Đào tạo huyện nhà đã có những bước phát triển mạnh và đạt được những kết quả khá toàn diện, nổi bật.

 

Bí thư Huyện ủy Phan Tấn Linh kết luận buổi làm việc.

Bí thư Huyện ủy Phan Tấn Linh cũng chỉ ra một số hạn chế mà ngành giáo dục và đào tạo huyện nhà cần sớm khắc phục như: Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo còn gặp nhiều khó khăn; công tác xã hội hóa giáo dục, việc khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ, tham gia hoạt động giáo dục kết quả chưa cao; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thấp hơn tỷ lệ chung của tỉnh và chưa đạt chỉ tiêu; tình trạng thiếu giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non kéo dài; giáo viên THCS mất cân đối giữa các bộ môn; chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng mũi nhọn chưa đồng đều giữa các các trường…

Nguyên nhân chủ yếu do một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến lĩnh vực giáo dục. Việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương chính sách giáo dục còn chậm, hiệu quả chưa cao; Năng lực của một số cán bộ quản lý giáo dục còn hạn chế, chưa quyết liệt trong đổi mới; công tác chỉ đạo dạy học, công tác tham mưu chưa hiệu quả; Nhiều giáo viên thiếu tâm huyết với nghề, tư tưởng an phận, thiếu phấn đấu; Nhiều lớp học có số học sinh đông, vượt quy định, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học; Việc điều chuyển cán bộ quản lý, bố trí giáo viên chậm ảnh hưởng đến việc phân công giảng dạy ở một số trường học; Thiết bị dạy học chưa được trang cấp đầy đủ, nên việc tổ chức dạy học ở các trường thực hiện các lớp của chương trình giáo dục phổ thông 2018 có những khó khăn; Cơ chế chính sách cho giáo dục và đào tạo còn nhiều bất cập, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về phân cấp quản lý giáo dục tại Nghị định 127 của Chính phủ; Công tác tham mưu của Phòng Giáo dục và Đào tạo chưa kịp thời, thiếu quyết liệt, hiệu quả chưa cao; bố trí đội ngũ chuyên viên chưa hợp lý….

Chỉ rõ những nguyên nhân, Bí thư Huyện ủy đề nghị trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương, trường học cần tập trung nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, huy động sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với sự phát triển giáo dục và đào tạo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ, công khai chất lượng giáo dục, quy chế chuyên môn, các chế độ, chính sách, vận động tài trợ, xã hội hóa giáo dục v.v…, gắn với phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân liên quan và của toàn thể Nhân dân trong việc tham gia giám sát, đánh giá, phản biện đối với công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục của huyện nhà.

Tiếp tục sắp xếp mạng lưới trường lớp đảm bảo khoa học, hợp lý, góp phần quan trọng vào sự phát triển của giáo dục và đào tạo trên địa bàn, đồng thời phù hợp xu thế phát triển chung của huyện nhà. Ưu tiên đầu tư và nâng cao chất lượng giáo dục các trường trọng điểm. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các cơ sở giáo dục ngoài công lập, từ đó góp phần giảm tải cho hệ thống trường công lập, giảm chi phí từ ngân sách Nhà nước đầu tư, xây dựng hệ thống trường lớp, đồng thời góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay ở các cơ sở giáo dục công lập.

Tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại để chuẩn hóa và nâng cao trình độ cho giáo viên, nhân viên. Tăng cường kỷ cương nền nếp tại các cơ sở giáo dục, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, giáo viên đối với sự nghiệp trồng người. Quan tâm xây dựng chi bộ đảng và các tổ chức đoàn thể trong các nhà trường ngày càng vững mạnh; chú trọng phát triển đảng viên trong giáo viên và học sinh THPT.

Tích cực đổi mới về mặt phương pháp, nâng cao chất lượng công tác dạy học, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng học sinh; kiên quyết khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục, lấy kết quả thực sự của học sinh làm thước đo cho mọi đánh giá về chất lượng giáo dục. Đồng thời tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, thể chất cho học sinh, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, nhân văn và tiến bộ. Xây dựng và tạo nền tảng vững chắc về văn hóa ứng xử học đường trong mỗi nhà trường thông qua việc cụ thể hóa nội dung Bộ Quy tắc ứng xử văn minh của người dân trên địa bàn huyện Nghi Xuân gắn với việc lồng ghép giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của quê hương vào chương trình giáo dục địa phương.

Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo, chú trọng việc quản lý thực hiện quy chế, kỷ cương dạy học; xã hội hóa nguồn thu; công tác quản lý tài chính, xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị ở các nhà trường; đặc biệt là thực hiện nghiêm túc quy định về dạy thêm, học thêm; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quản lý điều hành, truyền thông giáo dục.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học, công tác kiểm định chất lượng và xây dựng trường chuẩn quốc gia; thực hiện tốt các chính sách nhằm phát triển giáo dục đào tạo; đổng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cơ sở vật chất trường học, đa dạng hóa các hình thức trường lớp, tăng cường liên kết đào tạo. Đẩy mạnh phong trào khuyến học, phát triển cộng đồng, dòng họ, gia đình, cơ quan khuyến học trên địa bàn.

Thời gian tới, sau khi Nghị quyết “Về phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo” được ban hành, Bí thư Huyện ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là các đảng bộ, chi bộ ở các trường học căn cứ nội dung Nghị quyết và chức năng, nhiệm vụ để cụ thể hóa thành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện, đảm bảo hiệu quả cao, đưa ngành giáo dục Nghi Xuân đứng vào tốp đầu của tỉnh.

Anh Đức - Trung Kiên

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Tin đọc nhiểu