Chào mừng quý vị đã đến với Cổng thông tin điện tử huyện Nghi Xuân
Thông tin VHXH 10:41 25/12/2017 (306)

Ông Lừng lưới Rùng

Cỡ chữ
“Ông Lừng - lưới Rùng”, cái tên thân mật mà những người dân Làng chài ở thôn Lâm Phú, xã Xuân Liên huyện Nghi Xuân thường gọi để bày tỏ lòng biết ơn đối với Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Mạnh Lừng, người có công khôi phục Vàng lưới Rùng, nghề đánh cá lộng truyền thống nổi tiếng một thời của ngư dân địa phương nhưng đã bị thất truyền nhiều năm.


Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Lừng

Trước đây, Xuân Liên rất nổi tiếng về nghề đánh cá lộng, cả xã có 10 Vàng lưới Rùng và lưới Rẹo được dùng để đánh bắt các loại cá nhỏ, Mực, Sứa ven biển. Mỗi Vàng lưới gồm thuyền máy, bè mảng dùng để chở ngư cụ cùng với 25 người tham gia đánh bắt .

Nét đặc trưng riêng biệt của nghề đánh lưới Rùng là sự kết hợp nhịp nhàng của các thế hệ gồm những người đàn ông khỏe mạnh xuống biển đánh lưới còn người già và phụ nữ sẽ tham gia kéo dây lưới ở trên bờ.

Thông thường mỗi mẻ lưới Rùng kéo dài 3 tiếng khoảng từ 4 đến 7 giờ sáng hàng ngày, còn vào chính vụ thì các ngư dân ở Xuân Liên tổ chức đánh bắt liên tục đến khi thấm mệt thì dừng lại.

Xuân Liên quê ông nghèo lắm, từ bao đời nay người dân nơi đây gắn bó với nghề chài lưới đều xem tàu thuyền là nhà, là người bạn truyền kiếp để cưỡi sóng, vượt gió ra khơi; còn biển cả là quê hương chở che, nuôi lớn bao kiếp người.

Sinh năm 1947, ông lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề lưới Rùng ở miền quê biển bãi ngang Xuân Liên, từ nhỏ ông Lừng đã được theo cha ra biển, được sống, nếm trải sự vất vả của người dân chài. Vì thế mà mơ ước làm giàu nhờ biển đã được hình thành trong ông từ nhỏ.

Năm 1968 chàng thanh niên Nguyễn Mạnh Lừng tạm gác lại mơ ước của mình rồi tạm biệt gia đình lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại nhiểu chiến trường khốc liệt ở Miền Nam, Lào, Camphuchia…Sau 26 năm cống hiến trong quân ngũ, năm 1993, Thương binh, CCB Nguyễn Mạnh Lừng trở về quê nhà sinh sống và lập nghiệp cùng với người vợ Nguyễn Thị Hồng Lai.

Với bản chất của một người lính, lại là trụ cột trong gia đình nên CCB Nguyễn Mạnh Lừng luôn trăn trở tìm cách vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no từ biển. Ý tưởng khôi phục nghề lưới Rùng cũng xuất phát từ đó.

“Sau 26 năm quân ngũ trở về, đêm nằm trăn trở vì quê hương lực lượng lao động dôi thừa nhiều, mà nghề vàng lưới rùng ni trước cả xã có 10 đơn vị nay thì không còn nữa nên tôi cũng suy nghĩ nhiều và vận động anh em thành lập thành lập tổ hợp tác để phát huy nghề truyền thống” ông Lừng tâm sự

Ý tưởng khôi phục nghề lưới Rùng của ông ban đầu gặp khó khăn bởi rất nhiều lý do khác nhau, số thành viên có kinh nghiệm từng tham gia Hợp tác xã không còn mấy người, còn lứa trai trẻ thì không còn tin tưởng và đam mê với biển.

Khi ông đề xuất khôi phục nghề đánh bắt lưới Rùng truyền thống của quê hương, có người đồng tình, nhưng cũng không ít người phản đối, họ cho rằng nghề đi biển quá mạo hiểm mà lại không đem lại thu nhập cao bằng các nghề khác, hơn nữa họ không tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn của nghề Lưới Rùng đã từng bị mai một. Nhưng với ý chí của một người lính cùng niềm đam mê, nỗi khát khao làm giàu từ biển đã lôi cuốn,thôi thúc ông quyết tâm khôi phục bằng được nghề lưới Rùng.



Năm 2011, tổ hợp tác đánh bắt lưới Rùng xã Xuân Liên đã được khôi phục trở lại gồm 21 thành viên, chủ yếu là CCB cùng với cái tên mới được ra đời “Tổ hợp tác khai thác chế biến Hải Sản Bình Minh” do CCB Nguyễn Mạnh Lừng làm chủ nhiệm. Khi thành lập, tổ hợp tác gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu ngư cụ, phần lớn thành viên đều thuộc diện hộ nghèo nên cái mà họ đóng góp chỉ là sức lao động.

Không thể để tâm huyết của mình đổ xuống sông, xuống biển ông Lừng đã quyết định vay mượn anh em họ hàng và bà con làng xóm được 70 triệu đồng, số tiền còn thiếu ông cầm cố tài sản gia đình vay ngân hàng để đầu tư mua sắm ngư cụ, đóng thuyền nhỏ đánh bắt thủy sản ven bờ. Ngay trong năm đầu tiên hoạt động tổ hợp tác của ông đã thu về trên 100 triệu đồng lãi ròng, số tiền này ông dành một phần để trả nợ vay ngân hàng, phần lợi nhuận còn lại ông chia cho các xã viên.

Do đặc thù của nghề lưới Rùng mỗi năm chỉ đánh bắt được khoảng 4 tháng, thời gian còn lại xã viên không có việc làm, vì vậy cuối năm 2013 ông lại tiếp tục vay ngân hàng thêm 50 triệu đồng để đầu tư sắm thêm Vàng lưới Rẹo và lưới Sứa nhằm có thêm việc làm tăng thu nhập cho gia đình và các xã viên,để có điều kiện nuôi dạy và chăm sóc con cái thành người. Từ khi có thêm ngư cụ để đánh bắt, thu nhập của xã viên đã tăng lên rõ rệt, cuộc sống cũng bớt khó khăn hơn.Với ông niềm vui đó còn tăng lên bội phần.

Năm 2015, sự cố môi trường biển Formosa như một cơn sóng thần cuốn trôi đi tất cả niềm hy vọng không chỉ các thành viên trong tổ hợp tác xã đánh bắt thủy sản của ông. Hơn 1 năm lao đao vì không có việc làm, xã viên nhụt chí không còn muốn ra biển, nhiều người đã tính chuyện giải tán tổ hợp tác. Nhưng với bản lĩnh của anh Bộ đội Cụ Hồ, ông Lừng không dễ chấp nhận đầu hàng, ông lại tiếp tục đến từng nhà để động viên bà con xã viên tiếp tục ra biển.

Sau 7 năm hoạt động, tổ hợp tác của ông đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 26 xã viên, riêng ông thu lãi từ nghề biển mỗi năm trên 60 triệu đồng. Điều đáng trân trọng ở người Thương binh già Nguyễn Mạnh Lừng là ông không những biết làm  giàu cho gia đình mình mà còn chia sẻ, giúp đỡ người khác cùng vươn lên. Nhờ có sự giúp đỡ, động viên khích lệ của ông mà đến nay các hộ ngư dân khác ở Xuân Liên  đã thành lập thêm được 3 Vàng lưới Rùng khác, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.

Trước đây cả bãi biển dài trên 3km chỉ toàn cát trắng, ông là người đầu tiên dám xung phong nhận trồng 2ha rừng chắn sóng, noi gương ông nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn nhận đất tham gia cùng ông trồng và chăm sóc rừng ven biển. Chính những thành quả lao động không biết mệt mỏi của CCB Nguyễn Mạnh Lừng và các hộ dân nơi đây đã biến bãi cát trắng ven biển trên 3km trở thành một bức tường xanh chắn sóng chở che cho hàng trăm hộ dân ven biển của xã Xuân Liên trước những cơn thịnh nộ của biển cả.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, Thương binh, CCB Nguyễn Mạnh Lừng còn rất năng nổ trong mọi hoạt động xã hội tại địa phương. Với cương vị là Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh xã Xuân Liên, Chi hội trưởng người cao tuổi thôn Lâm Phú…ông Lừng đã vận động hội viên tham gia tích cực trong phong trào xây dựng Nông thôn mới tại địa phương. 5 năm liên tục CCB Nguyễn Mạnh Lừng là điển hình tiên tiến trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

“Trong thời gian triển khai  học tập và làm theo tư tưởng  đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đồng chí Lừng không những là người luôn thực hiện rất tốt, mà còn vận động tuyên truyền để mọi người học tập và làm theo, chúng tôi lấy đây là tấm gương điển hình để nhân rộng trên địa bàn và để mọi người học tập và noi theo đồng chí Nguyễn Mạnh Lừng” Bí thư Đảng ủy xã Xuân Liên ông Hoàng Văn Cát chia sẻ

Mặc dù đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng Thương binh, CCB Nguyễn Mạnh Lừng vẫn còn đam mê với biển, trong ông luôn khát khao bám biển không chỉ vì mưu sinh mà với ông biển luôn thật gần gũi và thiêng liêng.

Anh Đức - Ngọc Trâm

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Tin đọc nhiểu