Chào mừng quý vị đã đến với Cổng thông tin điện tử huyện Nghi Xuân
Nguyễn Du và Truyện Kiều 15:50 05/09/2020 (4071)

“Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn”

Cỡ chữ

Trước tác của Nguyễn Du khá đồ sộ và đều nổi tiếng; trong đó, 3.254 câu thơ lục bát được dân Việt ôm ấp như thánh thư và từ buổi nó ra đời, quen gọi một cách ngắn gọn, thân thuộc: Truyện Kiều, dù lúc hoài thai, Đại thi hào ký thác tên gọi hàm chứa bao ý chí, tư tưởng sâu xa: Đoạn trường tân thanh (Tiếng kêu đứt ruột mới). 


Hình tượng Nguyễn Du

Nguồn gốc Truyện Kiều mượn cốt truyện từ cuốn tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân đời nhà Minh bên Trung Quốc. Người viết kiệt tác Truyện Kiều vào lúc nào, hiện nay đang bàn cãi, chưa thống nhất. Việc dựa vào một văn bản văn học viết hay truyền miệng của nước ngoài để sáng tạo nên tác phẩm văn chương nổi tiếng là con đường khá phổ biến trong thực tiễn văn học nhân loại.

Đơn cử vở bi kịch Hamlet (1601) của kịch tác gia William Shakespeare (1564-1616) - đại văn hào nước Anh mà về sau C.Mác và F.Angghen kêu gọi những nhà viết kịch thế giới “Hãy Shakespeare hóa”, vốn bắt nguồn từ truyện dân gian Đan Mạch thời trung cổ. Bởi khuôn khổ bài viết, chúng tôi không nêu ra đây nhiều áng văn bất hủ của Văn học cổ điển Pháp thế kỷ XVII, mô phỏng Hy Lạp - La Mã và của Andersen (1805-1875) Đan Mạch, nhà văn được trẻ thơ nhân loại kỷ niệm ngày sinh mỗi năm.

Câu chuyện và vấn đề cần nói ở đây là gì? Là mượn cốt truyện nhưng các tác giả vĩ đại ấy đã sáng tạo ra Một thế giới nghệ thuật mới, không còn dấu vết của cội nguồn. Trường hợp Tố Như làm nên Truyện Kiều - đỉnh cô sơn chót vót của nền thi ca dân tộc Việt Nam và nổi tiếng thế giới, “vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, là tác phẩm chung cho cả loài người” (lời Nam Cao trong Đời thừa) là như thế!


Tác phẩm Truyện Kiều do NXB Trẻ ấn hành

Ở trên, chúng tôi có nói: Nguyễn Du đã sáng tạo Một thế giới nghệ thuật mới. Đúng như thế. Và, thế giới nghệ thuật trong Truyện Kiều, đậm chất Việt Nam và mang hồn cốt dân tộc ta. Trước hết là về ngôn ngữ và thể loại. Từ một tiểu thuyết chương hồi chữ Hán, Nguyễn Du chuyển hóa hoàn toàn bằng tiếng mẹ đẻ (chữ Nôm) và dùng thể thơ lục bát thoát thai từ ca dao, dân ca Việt, có khả năng và sức mạnh đi sâu vào nội tâm con người, lại viết thành truyện thơ - thể tài của riêng nước ta, nở rộ trong truyện thơ dân gian và truyện thơ cổ điển trung đại ở thế kỷ XVIII.

Ngôn ngữ văn học trong Truyện Kiều, với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta cũng phải nói rằng: “Miễn góp ý kiến” bởi “như được dệt bằng ánh sáng” (Nguyễn Đình Thi). Kế nữa, quan trọng hàng đầu, với Truyện Kiều, Đại thi hào dân tộc đã tái tạo, cao hơn: Sáng tạo một thiên nhiên, trời đất, hoa cỏ… Việt Nam có không biết cơ man nào là giống cây, giống hoa, có buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối… phiêu diêu tạo vật giang san này.

“Văn học là nhân học” (M.Gorki). Con người Việt Nam đậm hồn cốt dân tộc Việt, gồm đủ hạng người, nghề nghiệp, hoạt động… vô cùng sống động trong Truyện Kiều. Nếu dùng phép so sánh văn học giữa những con người trong Kim Vân Kiều truyện của cuốn tiểu thuyết hầu như vô danh mà văn học sử Trung Hoa dường như quên lãng với những con người đáng yêu, đáng kính như Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải… (dù vẫn có hạn chế theo quan điểm rất hiện đại về cách nhìn con người của Nguyễn Du) và một số lũ ác nhân như Hoạn Thư, Mã Giám Sinh, ta sẽ thấy sự khác biệt rất rõ ràng từ hành vi, việc làm, nhất là lối sống, cách nghĩ tận nội tâm các nhân vật.

Sự khác biệt này, theo chúng tôi, phải chăng có thể khái quát hóa: Sự khác biệt giữa con người Trung Hoa và Việt Nam?! Thi sĩ Chế Lan Viên thật có lý: "Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn".

Nguyễn Du mang sứ mệnh cao cả của người làm nghệ thuật và thực thi viên mãn sứ mệnh đó: Đi tìm cái đẹp và tôn vinh cái đẹp Việt Nam gửi đến nhân loại!


Ngày 10/5/2018, Chị Song Hương (người thứ hai từ phải sang) trao tặng Ban quản lý di tích Nguyễn Du bộ 7 CD và 7 DVD phổ nhạc toàn bộ Truyện Kiều của nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện ở Pháp, Viện sĩ Viện Hàn Lâm Âu châu (Ảnh: Anh Hoài).

Từ câu chuyện Đại thi hào đất Việt, quê cha Hà Tĩnh, mượn cốt truyện từ một sáng tác của Trung Quốc để tạo nên Đoạn trường tân thanh, Truyện Kiều, ngày nay chúng ta có được nhiều kết luận rất lớn về lý luận và thực tiễn sáng tác văn học nghệ thuật. Nguyễn Du đã tiếp biến (tiếp thu và biến đổi) và sáng tạo từ một dấu tích văn hóa, văn học ngoại quốc.

Người đã đi những bước đầu về sự giao lưu văn hóa, văn học Việt - Trung. Và, quan trọng nhất, Người đã làm nên sứ mệnh: Đóng góp, cống hiến cho văn học nhân loại bằng sáng tác của dân tộc Việt Nam - một kiệt tác biểu thị sự trường tồn của ngôn ngữ Việt Nam, của dân tộc Việt Nam: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn. Tiếng ta còn thì nước ta còn” (học giả Phạm Quỳnh).

Baohatinh.vn


Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Tin đọc nhiểu