Làng Tiền (nay là tổ dân phố An Mỹ, thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân), không chỉ được biết đến là làng nghề truyền thống làm nón lá, làm rổ mà còn là cái nôi của trò Kiều – một loại hình nghệ thuật dân gian được chuyển tác từ “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du.
Sở dĩ gọi làng Tiền là cái nôi của trò Kiều Tiên Điền là bởi người có công đưa trò Kiều về làng Tiên Điền là 4 anh em dòng họ Trần - Trần Văn Lan, Trần Văn Thiều, Trần Văn Ân, Trần Văn Nguyệt - những người con của làng Tiền.
Nằm cách trung tâm huyện Nghi Xuân khoảng 1km về phía Nam, làng Tiền là một vùng quê có phong cảnh hữu tình. Trong cuộc sống xô bồ của cơ chế thị trường, nơi đây vẫn giữ được nét thanh bình yên ả của một làng quê đất Việt.
Làng Tiền hôm nay
Xưa, cùng như bao vùng quê khác, làng Tiền là một vùng quê “đói nghèo trong rơm rạ”. Người dân nơi đây quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cũng chỉ đủ ngày hai bữa cơm độn khoai độn sắn. Cuộc sống thiếu thốn vật chất nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Lời ca tiếng hát cứ ngân vang trong những mùa gặt hái, trong những lúc nông nhàn cùng bàn tay chằm nón lá thoăn thoắt. Và trò Kiều chính là món ăn tinh thần nuôi dưỡng tâm hồm, giúp người dân làng Tiền vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Trò Kiều về làng Tiền vào những thập niên đầu của thế kỷ XX (khoảng năm 1920), 100 năm sau khi cụ Nguyễn Du qua đời. Đội trò Kiều đầu tiên của làng toàn nam giới. Bởi theo quan niệm tư tưởng phong kiến còn nặng. Người vào vai Kiều và Vân đầu tiên của đội trò Kiều Tiên Điền là hai anh em ruột Trần Văn Lan và Trần Văn Nguyệt. Mãi sau này, khoảng những năm giữa thế kỉ XX, khi trò Kiều phát triển mạnh mẽ, người say mê trò Kiều nhiều hơn, quan niệm trên cũng nhạt dần, phụ nữ mới bắt đầu tham gia vào đội trò.
Các diễn viên trong đội trò Kiều là những chàng trai, cô gái ở độ tuổi xuân xanh, trai chưa vợ, gái chưa chồng người làng Tiền. Họ đến với trò Kiều bằng lòng yêu mến, niềm say mê. Ngày ấy vào đội trò là niềm vui của họ. Họ say sưa luyện tập cả ngày lẫn đêm với thời gian kéo dài hàng tháng trời. Thậm chí, có những lúc, đội trò Kiều còn tập luyện và biểu diễn trong hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt của chiến tranh “trên bom dưới đạn”. Động lực tinh thần to lớn cho anh chị em của đội trò Kiều chính là sự ủng hộ nhiệt tình từ phía khán giả (chính là người dân làng Tiền và những làng xóm lân cận).
Thời đó, hễ tiếng trống nổi lên là người dân Tiên Điền, bất kể già trẻ, gái trai, từ tầng lớp bình dân cho đến những gia đình khá giả đều kéo đến xem, đông vui như hội. Ngay trong những buổi tập luyện, không khi nào lại vắng bóng người xem. Họ vây quanh đội trò vòng trong vòng ngoài. Dù thời gian đã qua rất lâu nhưng những hình ảnh ấy vẫn vẹn nguyên trong kí ức của những người từng có mặt trong đội trò Kiều ngày ấy.
Giờ đây, trong số họ, kẻ còn, người đã mất. Người còn sống bây giờ đã lên chức ông, bà, tóc đã ngả màu, tuổi đã bước sang ngưỡng “xưa nay hiếm” nhưng mỗi lần nhắc đến đội trò năm ấy lòng vẫn không khỏi bồi hồi xốn xang. Ông Trần Huy Trâm – người đảm nhiệm vai người anh hùng Từ Hải nhớ lại “Đã gần 50 năm trôi qua… nhưng những hình ảnh ấy vẫn sống động tươi mới như vừa diễn ra hôm qua”.
Ngày nay, người dân được tiếp cận với nhiều loại hình nghệ thuật cả trong và ngoài nước, thời kì phát triển rực rỡ của trò Kiều chỉ còn là “một thời vang bóng”. Tuy nhiên, đối với người dân làng Tiền, trò Kiều vẫn mãi là niềm tự hào, niềm yêu mến. Người dân nơi đây, bằng niềm say mê, vẫn ngày đêm miệt mài sưu tầm, tập luyện để trò Kiều không bị mai một trong dòng chảy văn hóa hiện đại. Trong đó, phải kể đến công lao to lớn của vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Mậu – Trần Thị Phượng. Nhờ ông bà mà trò Kiều ở nơi đây được phục hồi, duy trì, phát triển và một loại hình văn hóa phi vật thể được bảo tồn, từ đó làm lan tỏa các giá trị từ tác phẩm Truyện Kiều trên quê hương Đại thi hào Nguyễn Du.
Ông Nguyễn Mậu và bà Trần Thị Phượng truyền dạy trò Kiều cho thế hệ trẻ
Về làng Tiền hôm nay, chúng ta được chứng kiến sự thay da đổi thịt – kết quả của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đường làng ngõ xóm rộng mở thênh thang, nhiều ngôi nhà khang trang, những khu vườn ngập màu xanh cây trái. Và ở hội quán làng Tiền (nay là tổ dân phố An Mỹ) vẫn vang lên tiếng trống, tiếng ca của Câu lạc bộ trò Kiều. Mỗi dịp lễ tết, người dân làng Tiền lại được sống lại niềm say mê trò Kiều một thuở.
Theo ông Nguyễn Hải Nam – Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân: “Quê hương Nghi Xuân có rất nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, có nhiều địa tầng văn hóa. Trong định hướng phát triển kinh tế xã hội Nghi Xuân đã xác định phải đi lên bằng văn hóa, du lịch, dịch vụ. Trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, Nghi Xuân đã xây dựng huyện nông thôn mới giữa trên nền các giá trị văn hóa truyền thống. Từ đó, công tác bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật như Ca Trù, trò Kiều, dân ca Ví Giặm luôn được huyện chú trọng...”.
Mong rằng, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự nỗ lực, tâm huyết của những người con làng Tiền, trò Kiều sẽ thực sự được hồi sinh, Câu lạc bộ Trò kiều sẽ đi vào hoạt động bằng hình thức chuyên nghiệp, thu hút khách muôn phương về với quê hương Đại thi hào Nguyễn Du.
Thu Ngà –THPT Nguyễn Du