Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Tuấn - người đã có hơn 30 năm
Sinh năm 1968 tại xã Xuân Giang, huyện
Nghi Xuân. Có lẽ mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, địa linh nhân kiệt này đã
thôi thúc Nguyễn Trọng Tuấn đến với những làn điệu Dân ca Ví, Giặm ngay từ khi
còn nhỏ.
“ Khi còn là học sinh cấp 2, tôi được
cố Nghệ sỹ ưu tú Danh Cách (Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh) trực tiếp truyền dạy cho một
số làn điệu Dân ca Nghệ Tĩnh. Phát hiện tôi có năng khiếu và đam mê nghệ thuật, cố NSUT Danh Cách đã dành thời gian truyền dạy cho tôi hát thành thục một số làn
điệu gốc như: Ví đò đưa Sông Lam” Nghệ nhân Nguyễn Trọng Tuấn nhớ lại.
Năm 1986, khi tròn 18 tuổi, Trọng Tuấn được tuyển thẳng vào Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh nhưng anh lại lên đường vào quân ngũ. Ở đây, với niềm đam mê và tài năng của mình, anh vẫn không quên những làn điệu Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, các tiết mục tham gia hội diễn cấp Trung đoàn rồi Quân khu, anh đã dành những tấm Huy chương, giải A.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Trọng Tuấn luôn miệt mài
sáng tác, sưu tầm các làn điệu Dân ca Ví, Giặm.
Xuất ngũ trở về địa phương năm 1989, Trọng Tuấn
lại tiếp tục đến với phong trào văn nghệ quần chúng. Với chất giọng mộc mạc
chân quê, sự dùi mài chắt chiu trong cách hát, năm 1994 Trọng Tuấn lần đầu "bước
chân" vào sân khấu lớn cùng với ca sỹ Tố Nga với Tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh “Hương
đất tình người” và tiết mục “Đố vui” tại “Liên hoan đàn và hát dân ca toàn quốc
lần thứ nhất” tổ chức tại Hà Nội. Từ tấm huy chương Vàng quý giá và giải Ba
cùng với Tố Nga lần này là khởi đầu cho những thành công tiếp theo trên con đường
nghệ thuật. Các kỳ liên hoan Dân ca toàn quốc các năm tiếp theo Trọng Tuấn luôn
mang về những huy chương Vàng cho Đoàn Nghệ thuật không chuyên tỉnh Hà Tĩnh,
nhiều giải A cá nhân cho huyện Nghi Xuân.
Nghệ nhân Nguyễn Trọng Tuấn cho biết:
“Ngoài sự đam mê, luyện tập không ngừng nghĩ của bản thân, những hội diễn, kỳ
liên hoan thực sự là sân chơi đã giúp tôi có thêm nhiều sự tự tin, tích lũy
kinh nghiệm trong loại hình nghệ thuật này”.
Không dừng lại ở đó, anh còn tham gia soạn lời, sáng tác những tiểu phẩm dân ca và đã đạt nhiều giải thưởng như “Chung lời hẹn ước” giải Nhất cho liên hoan tuyên truyền “Các mô hình HTX kiểu mới năm 2016”, “Trang Kiều vọng mãi ngàn năm” Liên hoan Nghệ thuật quần chúng toàn quốc nhân Lễ kỷ niệm 250 ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, tác phẩm đạt 2 Huy chương Vàng tại Liên hoan bao gồm “HCV Soạn lời mới và HCV tiết mục Biểu diễn”.
Nghệ nhân Trọng Tuấn thường xuyên tập luyện cho
các Câu lạc bộ tại các hội diễn, hội thi
Đặc biệt, từ năm 2020 lại nay, tình
hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến việc tổ chức hoạt động các chương
trình văn hóa, văn nghệ cũng có nhiều ảnh hưởng, Trọng Tuấn đã miệt mài soạn lời
mới, sáng tác, chuyển thể, lồng điệu cho dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và anh đã
cho ra tuyển tập “Chung lời hẹn ước” “Đôi bờ Ví, Giặm nên duyên”. Hai tuyển tập
này có hơn 100 tác phẩm với đa dạng chủ đề, thể loại như ca ngợi Đảng, Bác Hồ
kính yêu, ca ngợi con người, quê hương đất nước, tuyên truyền pháp luật, tuyên
truyền xây dựng nông thôn mới, phòng chống dịch bệnh, phản ánh cuộc sống đương
đại và ca ngợi nét đẹp của quê hương.
Anh còn biên tập, soạn lời mới, chuyển
thể và lồng điệu từ kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du thành một số
tổ khúc, trích đoạn Không gian diễn xướng Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, hát Ru,
hát Xẩm và Lẩy Kiều trong tuyển tập “Trang Kiều vọng mãi ngàn năm” để phục vụ
công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa Dân ca Ví, Giặm Nghệ
Tĩnh và Truyện Kiều.
Nhiều cuốn sách về Dân ca Ví, Giặm của nghệ nhân
Trọng Tuấn được nhiều Câu lạc bộ trên địa bàn sử dụng tập luyện.
Các tác phẩm soạn lời mới, chuyển thể
và lồng điệu Dân ca Nghệ Tĩnh của anh được đông đảo diễn viên, nghệ nhân sử sụng
và rất thích bởi dễ hát, dễ biểu diễn trên sân khấu và sinh hoạt Câu lạc bộ dân
ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh trên địa bàn huyện và tỉnh. Hơn mười năm qua anh đã thành
lập và tập luyện cho hàng chục Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm, truyền dạy cho hàng
trăm người ở nhiều lứa tuổi biết hát và hát rất hay về dân ca Ví, Giặm Nghệ
Tĩnh.
Chị Lê Thị An – Cán bộ văn hóa xã Đan Trường, huyện Nghi Xuân cho hay: “Bản thân tôi thấy may mắn khi là được Nghệ nhân Nguyễn Trọng Tuấn truyền dạy cho các làn điệu Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Chúng tôi không những được học ở thầy về cách hát mà còn được sự đam mê đến cháy bỏng với những làn điệu Dân ca Ví, Giặm từ thầy”.
Nghệ nhân Trọng Tuấn đã đạt nhiều giải cao tại
các hội diễn, hội thi và được Chủ tịch nước phong tặng bằng công nhận Nghệ Nhân
Ưu tú năm 2015.
Hơn 30 năm hoạt động cho Dân ca Ví,
Giặm Nghệ Tĩnh Nghệ nhân Trọng Tuấn đã gặt hái rất thành công trong lĩnh vực biểu
diễn và sáng tác, anh đã giành được nhiều Huy chương Vàng, Bạc, giải Nhất, giải
Nhì trong các kỳ Liên hoan, hội diễn các cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc. Anh
vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng bằng công nhận Nghệ Nhân Ưu tú năm 2015.
Với anh niềm vui nhất có lẽ không phải
là những thành tích đã đạt được mà là được nghe thấy những làn điệu Dân ca Ví,
Giặm ngày càng lan tỏa vào đời sống của người dân Hà Tĩnh.
Đức Đồng