Trở về sau chiến tranh, người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Thấu hiểu và chia sẻ với nỗi đau của các nạn nhân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương ở huyện Nghi Xuân đã có nhiều hoạt động chung tay vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin, khơi dậy đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, tinh thần tương thân tương ái của dân tộc.
Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện trao tiền hỗ trợ xây nhà ở cho hội viên khó khăn tại xã Xuân Thành
Sau nhiều năm tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ và tình nguyện giúp nước bạn Lào, năm 1977, ông Trần Xuân Hương (thôn Yên Liễu, xã Xuân Yên) xuất ngũ trở về địa phương. Không chỉ bản thân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chất độc màu da cam, mà người con trai của ông là anh Trần Văn Hiếu cũng bị lây truyền khi mắc chứng bệnh nấm toàn thân và nay lại mới phát hiện bị căn bệnh Ung thư dạ dày. Trước những khó khăn mà ông Hương và gia đình đang gặp phải, thông qua Thường trực Tỉnh hội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện đã vận động Quỹ thiện tâm của Tập đoàn VinGroup hỗ trợ 50 triệu đồng để giúp đỡ gia đình ông xây dựng ngôi nhà mới. Đây là nguồn động viên lớn lao đối với ông, góp phần giúp gia đình từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Nghi Xuân được thành lập, là tổ chức đại diện cho tiếng nói, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Đến nay, toàn huyện có 1.493 hội viên. Nhiều nạn nhân đang chịu ảnh hưởng đến thế hệ cháu và đã có tới 55 gia đình có từ 2 - 4 nạn nhân.
Trước hoàn cảnh đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Nghi Xuân đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong huyện, huy động nguồn lực, quan tâm chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần cho các nạn nhân da cam. Trong 5 năm qua, Hội đã vận động được trên 3 tỷ đồng hỗ trợ cho các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, trong đó dành tới 1,1 tỷ đồng để hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Từ năm 2016 đến nay, đã hoàn thiện và bàn giao 36 ngôi nhà mới cho các hội viên trên địa bàn 19 xã, thị trấn. Chỉ tính riêng tại xã Xuân Thành đã có 10 ngôi nhà của nạn nhân được xây dựng mới.
Trong năm 2018, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Nghi Xuân đã tiếp tục vận động Quỹ thiện tâm, tập đoàn VinGroup tài trợ xây dựng 6 ngôi nhà, mỗi nhà trị giá 50 triệu đồng cho 6 nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Số tiền hỗ trợ làm nhà ở cho hội viên được trao thành 2 đợt, Thường trực Huyện hội đã tổ chức đến trực tiếp trao nhà đợt 1 mỗi nhà 25 triệu đồng. Đây là những đối tượng hết sức khó khăn, nhà ở dột nát, xuống cấp trầm trọng hoặc chưa có nhà ở, cuộc sống éo le.
Ngoài việc huy động nguồn lực làm nhà ở cho hội viên, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Nghi Xuân đã phối hợp với Hội chữ thập đỏ huyện và chi hội cơ sở phát động phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam/dioxin”. 5 năm qua, Hội đã tặng gần 7 nghìn suất quà với tổng trị giá trên 1,7 tỷ đồng; tạo điều kiện cho 47 hội viên được vay vốn phát triển kinh tế với tổng số tiền gần 300 triệu đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Hội đã tặng 417 suất quà cho hội viên nạn nhân da cam, với số tiền gần 426 triệu đồng.
Thực hiện mục tiêu của Hội là chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân có cuộc sống ngày càng tốt hơn, các cấp Hội từ huyện đến cơ sở đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền phát động ủng hộ Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam” trong các cơ quan, tổ chức đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân. Từ nguồn quỹ đã giúp các cấp Hội có điều kiện làm tốt hơn công tác chăm sóc nạn nhân, gia đình nạn nhân giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống.
Một vấn đề đặt ra hiện nay, đó là bên cạnh những nạn nhân đang được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và nhà nước, trên địa bàn huyện Nghi Xuân vẫn còn 338 đối tượng tham gia kháng chiến trong vùng ảnh hưởng chất độc hóa học chưa được giám định để hưởng chế độ do còn nhiều khó khăn về thủ tục, hồ sơ. Những người chưa được hưởng chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước mong muốn các cấp ngành tạo điều kiện xác nhận, thẩm định hồ sơ để được hưởng chế độ xứng đáng với những gì mà mình đã cống hiến và hi sinh. Đây cũng là nỗi trăn trở của các cấp hội nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện Nghi Xuân.
Hồng Quang – Thanh Huyền
Bình Luận Mới
Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn! Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại