Chào mừng quý vị đã đến với Cổng thông tin điện tử huyện Nghi Xuân
Thông tin VHXH 17:11 30/10/2017 (257)

“Lên đời” ví, giặm Hà Tĩnh...

Cỡ chữ
Xây dựng nông thôn mới (NTM) cốt yếu là làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Từ mục tiêu quan trọng ấy và xuất phát từ cội rễ vùng văn hóa đậm đà, Nghi Xuân đã nỗ lực xây dựng hình ảnh riêng về sắc màu văn hóa, trong đó, tiêu biểu là đưa ví, giặm thành sản phẩm phục vụ du lịch.

Đượm câu hát trong thôn

Năm 2016, huyện Nghi Xuân tổ chức thi các khu dân cư NTM kiểu mẫu. Các màn “nghệ thuật hóa” bằng tổ khúc dân ca ví, giặm đã được trình diễn, thuyết phục đông đảo người dân và quan khách. Giải nhất cuộc thi được trao 50 triệu đồng, giải nhì 30 triệu đồng; tổng giá trị giải là 300 triệu đồng.


Thôn nữ Nghi Xuân thể hiện các làn điệu ví, giặm bên dòng sông Lam.

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hải Nam phấn khởi: “Từ sự kiện đó, Nghi Xuân bắt đầu xây dựng tiêu chí, mỗi khu dân cư kiểu mẫu phải có một CLB văn nghệ dân gian. Điều mừng là, người dân nơi đây rất phấn khởi. Chính họ đã trở thành chủ thể của các CLB và các CLB liên tục ra đời, hoạt động rất hiệu quả”. Toàn Nghi Xuân hiện đã có hơn 70 CLB hoạt động thường xuyên. Xuân Viên, Xuân Giang, Xuân Mỹ… là những đơn vị mạnh.

Trong nhiều lần hành trình về miền đất NTM Nghi Xuân, chúng tôi đã được thưởng thức những tiết mục dân ca thấm đượm tình người ngay tại thôn, xóm. Các bác, các chị và những thôn nữ đã tự tin khoác lên mình những bộ áo lễ hội, thành thục các làn điệu dân ca, nhiều khi là những ca từ mới tái hiện bầu không khí hôm nay, nơi người dân chung sức xây dựng NTM.

Ông bạn nghiện món “săn” ảnh, trong chuyến đi với các nghệ sĩ nhiếp ảnh về Nghi Xuân lần trước, sau khi đến 3 khu dân cư đã tấm tắc khen mãi những giai điệu “không phải nơi mô cũng có được”. Hôm đó, chúng tôi còn được thưởng thức tiết mục tự biên “Tình anh nhiếp ảnh” của nghệ sĩ Trần Chung, biểu diễn tại khu vườn một cư dân Xuân Mỹ.

Nhấp chén rượu đồng quê, dùng nơm đánh bắt cá trên ruộng, quay thử mấy vòng cối xay, nướng cá và nghe người dân hát dân ca..., quả là những trải nghiệm không gì hơn thế. Quá dễ chịu đối với những con người sinh ra từ làng, chưa nói đến người sinh ra từ phố thị như những ai kia.

Bà Nguyễn Thùy Dung - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Trường có lần trò chuyện: “Chúng tôi không phải là xã mạnh về dân ca, nhưng các CLB hoạt động rất hiệu quả. Những sự kiện của thôn, xã, các bác, các chị biểu diễn rất hay. Từ các CLB, tinh thần về xây dựng NTM được lồng ghép để chuyển tải rất hiệu quả”.

Lan tỏa câu hát trên thuyền

Chưa thỏa mãn với câu hát trong thôn, người Nghi Xuân còn mang câu hát lên thuyền, xuôi ngược dòng Lam đầy vơi con nước. Dư âm mãi trong tôi ngày ấy, ngày chúng tôi lên bến đò ở Xuân Giang để nghe các bác, các bạn và các cô thôn nữ tuổi đôi mươi hát ví, giặm trên con thuyền nhỏ. Dẫu rằng, thuyền ngược, thuyền xuôi giờ chỉ là phần “diễn”, không tái hiện nổi không gian diễn xướng ngày xưa nữa, nhưng chừng đó cũng làm tấm tắc biết bao người say điệu hát dân ca.


Khúc hát dân ca mang lại sức sống mới cho vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa Nghi Xuân.

Trên dòng sông lấp lánh ánh bạc, giữa nhịp chèo khua đều đặn, giọng các cô thôn nữ và những chàng trai vạm vỡ vang lên thật đằm sâu, da diết. Bữa đó, chúng tôi, dĩ nhiên, phải trả tiền cho những người hát. Họ bảo: “Các anh có nhu cầu nghe hát trên thuyền, bất cứ khi nào, chúng em đều sẵn sàng”.

Từ chiếc thuyền nhỏ chở nặng tình câu ví, giặm, hôm nay, câu hát đã được đưa lên con thuyền lớn.



Ông chủ của Giang Đình cổ độ - Trần Quốc Lâm (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Song Ngư Sơn Giang Đình) cười thật tươi: “Trên thuyền của chúng tôi có hát ca trù, trò Kiều và ví, giặm. Với ví, giặm, chúng tôi đã có 1 cháu hát được tiếng Anh, rất thú vị. Nhiều giáo sư, tiến sĩ, bác sỹ, các du khách người Nhật, Hàn Quốc, Nga đã lên thuyền thưởng thức ẩm thực và nghe hát, họ rất mê. Từ bến Giang Đình, du khách có thể ra đảo Ngư, xuôi Xuân Thành, ngược lên Tam Soa hay về quê Bác. Chúng tôi có 10 chiếc thuyền nhỏ, có thể làm hài lòng du khách nếu muốn nghe câu dân ca cổ trên sông nước”.

Câu dân ca được “cấp” thêm nhiều sức sống, cho thấy, người Nghi Xuân lựa chọn thật sáng suốt. “Xây dựng NTM phải gắn với khôi phục, làm giàu các giá trị văn hóa truyền thống. Muốn làm được vậy thì phải tổ chức các hoạt động cộng đồng thu hút bà con, trong đó có CLB văn nghệ dân gian. Từ đây sẽ thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, đồng thời, nhiều vụ việc liên quan đến thôn xóm sẽ được bà con tự xử lý, đảm bảo an ninh trật tự; tạo không gian trải nghiệm cho du khách, gắn với khai thác các địa chỉ danh nhân, danh thắng” - Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hải Nam lý giải.

Theo Báo Hà Tĩnh

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Tin đọc nhiểu