Chào mừng quý vị đã đến với Cổng thông tin điện tử huyện Nghi Xuân
Thông tin VHXH 09:27 03/02/2018 (329)

Làng đào Xuân Sơn khởi sắc

Cỡ chữ
Những năm gần đây, làng đào Xuân Sơn (xã Cổ Đạm) đã không còn là cái tên xa lạ với mọi người, bởi nghề trồng đào nơi đây đã cho ra đời những “sản phẩm” mang nét đặc trưng riêng không phải nơi nào cũng có được.


Hoa đào Xuân Sơn có nét đặc trưng riêng nên rất được người dùng đến chọn mua trong mỗi dịp tết (Ảnh: Đức Đồng)

Thôn Xuân Sơn có khoảng 200 hộ với 800 nhân khẩu, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.Theo người dân Xuân Sơn kể, vào những năm 1980 - 1983 những người nông dân vùng biển Vân Hải, xã Cổ Đạm hưởng ứng chủ trương của Đảng, chính quyền địa phương huyện Nghi Xuân đi xây dựng vùng kinh tế mới đã di cư đến chân núi Chọ Sim. Ngày ấy nơi đây còn hoang hóa, bạt ngàn sim mua, cỏ dại lau sậy mọc um tùm. Những người nông dân “một nắng hai sương” cật lực lao động, đổ mồ hôi đào gốc cây, cuốc đất hoang san lấp sỏi đá thành ruộng đất. Ngày lại ngày cuốc đất, đào gốc cây cải tạo vùng đất mới thành vườn tược tốt tươi. Từ một vùng đất sỏi đá, heo hút gió lùa, sau hơn 35 năm lao động vất vả bằng sức người sáng tạo, cần cù chịu thương chịu khó đã biến đất hoang hóa thành làng thôn trù phú, khang trang.

Xuân Sơn có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế trồng trọt, sản xuất vườn đồi, trồng rừng nguyên liệu và chăn nuôi gia súc.


Nhờ tận dụng tốt tiềm năng lợi thế, nghề trồng đào phát triển kinh tế vuờn đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Nhà cửa ngày càng khang trang, sạch đẹp (Ảnh: Đức Đồng)

Một điểm nhấn ở Xuân Sơn là nghề trồng hoa đào, cây cảnh để bán trong dịp tết Nguyên Đán. Về Xuân Sơn trải nghiệm những vườn đào phai ở Xuân Sơn 2 - 3 tuổi tươi tốt, đang rộ nụ hồng chúm chím đón chào năm mới đang về đất dưới chân Hồng Lĩnh.

Theo người dân cho hay nghề trồng đào được du nhập vào thôn Xuân Sơn khoảng 7 năm nay để phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp tết Nguyên đán. “Tính đến nay ở Xuân Sơn có 50 - 60 hộ trồng hoa đào phai. Nghề trồng đào đã đem lại cho nhiều hộ có thu nhập khá cao trong dịp tết. Hiện thôn đã thành lập THT trồng đào Xuân Sơn với 13 thành viên” Trưởng thôn Xuân Sơn Nguyễn Văn Chắt chia sẻ.



Hiện, nhiều vườn có 2 - 3 năm tuổi, được tạo giáng như cây ô, thế phúc - lộc - thọ rất đẹp. Để có được những cây đào đẹp, thì ngoài các kỹ thuật chăm sóc khoa học, bà con còn phải bỏ ra rất nhiều công sức. Cây giống được bà con mua ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đất đai, khí hậu nơi đây hợp với các loại giống đào đá, đào Lào, đào phai. Cũng có người đi gom hạt đào phai về ươm trồng. Đất Xuân Sơn tốt lại phù hợp với cây đào, vốn đầu tư chăm sóc, bón phân không đáng kể. Năm nay ông Hoàng Ngọc Trà có 270 gốc đào hoa, nếu trúng mùa sẽ thu về trên 300 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập lớn của gia đình. Ông Trà vui mừng chia sẻ “Trồng đào, công việc nặng nhọc nhất là tỉa cành và tưới nước vào mùa hè. Kỹ thuật hãm thông thường khoảng tháng 10 âm lịch phải ngắt lá để hãm để nụ hoa nở đúng dịp tết”.

Không khí vào những ngày giáp tết lưu lượng hành khách đến Xuân Sơn đặt mua đào thế ngày càng nhiều. Đào phai trở nên đắt giá, bình quân mỗi cây được bán với giá từ 1-1,5 triệu đồng. Cũng có những gốc đào được bán tới 3 triệu đồng. Đào Xuân Sơn giờ đây đã trở thành thương hiệu, người trồng hoa không phải đưa ra chợ bán, mà thương lái đến tận vườn đào mua đưa đi tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh.

Những vườn đào Xuân Sơn đang vươn lên trong ánh nắng hiếm khoe những chồi non, lộc biếc, rộ nụ xuân chúm chím và những đóa hoa 5 cánh mỏng mảnh phơn phớt hồng. Sức sống của người dân đang trỗi dậy trong phong trào thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Những người nông dân “chân lấm tay bùn” thực sự đang làm giàu trên đất quê hương.

CTV Đặng Viết Tường

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Tin đọc nhiểu