Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Baohatinh.vn
Để chủ động ứng phó khẩn
cấp với diễn biến của bão CONSON và tình hình mưa lớn, Ban Chỉ huy
PCTT&TKCN tỉnh đã ban hành Công điện số 05/CĐ-PCTT ngày 7/9; văn bản số
215/PCTT ngày 7/9 về việc sẵn sàng ứng phó với bão CONSON và mưa lớn. Các địa
phương, sở, ngành đã ban hành công điện, chỉ đạo công tác ứng phó với bão
CONSON và mưa lớn.
Đến thời điểm hiện nay,
toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn (3.695 phương tiện tàu thuyền với 14.939 lao động)
đã biết thông tin, diễn biến, đường đi của cơn bão CONSON.
Hiện có 42 phương tiện/275 lao động đang hoạt động khai thác tại các vùng khơi, vùng biển trong và ngoài tỉnh, số còn lại đang neo đậu an toàn. Ngoài ra, có 26 phương tiện/64 người ngoại tỉnh đang neo đậu tránh trú tại các bến bãi trên địa bàn tỉnh cũng đã được thông tin về diễn biến của bão.
Điểm cầu Nghi Xuân
Tính đến chiều 9/9,
toàn tỉnh đã thu hoạch 38.300/44.954 ha lúa hè thu, đạt 85% kế hoạch; hiện còn
6.654 ha lúa chưa thu hoạch.
Ngày 24/6, UBND tỉnh đã
ban hành Quyết định số 2427/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án phòng ngừa, ứng
phó với bão mạnh, siêu bão, trong đó, các địa phương phải tổ chức di dời dân
tương ứng với từng cấp bão.
Trước diễn biến phức tạp,
hướng đi khó lường của bão CONSON, hiện nay, các địa phương, đơn vị ở Hà Tĩnh
đã chủ động chuẩn bị các phương án ứng phó cũng như sơ tán dân đảm bảo an toàn
trước khi bão đổ bộ.
Trong đó, tập trung kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn; sẵn sàng sơ tán dân ở các vùng ven biển và vùng núi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; di dời lồng bè nuôi cá trên sông; có phương án bảo vệ an toàn các tuyến đê, kè ven biển…
Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hải Nam: các địa phương trên địa bàn Nghi XUân đang tập trung cao nhất ứng phó với bão CONSON, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Nhân dân, hoàn thành công tác kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, Đồng thời đề nghị tỉnh cần sớm có kế hoạch đầu tư nâng cấp hệ thống tuyến đê hội thống nhất là những điểm xung yếu và tiếp tục hoàn thành âu thuyền tránh bão cho ngư dân.
Các địa phương cũng nêu ra những khó khăn trong công tác ứng phó với bão CONSON và mưa lũ có thể xảy ra, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Đó là việc phải đảm bảo an toàn cho các khu cách ly tập trung, khu điều trị F0 trong điều kiện mưa bão; đảm bảo an toàn, hiệu quả phòng chống dịch trong khi sơ tán, di dời dân từ vùng nguy hiểm tới nơi tránh trú bão..
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải kết luận hội nghị. Ảnh: Baohatinh.vn
Kết luận hội nghị, Chủ
tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh: Bão CONSON có hướng đi phức tạp, khó lường
nên các địa phương, đơn vị cần theo dõi sát diễn biến của bão và mưa lũ để chủ
động phương án ứng phó; sơ tán dân đảm bảo an toàn trong trường hợp xảy ra bão
mạnh, mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và đảm bảo an toàn phòng, chống
dịch tại các địa điểm sơ tán, khu cách ly tập trung.
Tăng cường công tác
thông tin và truyền thông, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng ven sông suối, hạ
lưu các hồ đập, vùng trũng thấp để người dân biết, chủ động phòng tránh; tổ chức
quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi, kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại
bến vừa đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, vừa đảm bảo phòng chống dịch
COVID-19 tốt nhất.
Tranh thủ thời tiết thuận
lợi huy động tối đa nhân lực, máy gặt hiện có để tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh
gọn diện tích lúa hè thu còn lại đã chín, nhất là tại các địa phương có diện
tích lúa vùng thấp trũng.
Tiến hành kiểm tra ngay
hệ thống tiêu thoát lũ và thực hiện các biện pháp tiêu thoát nước đệm chống ngập
úng cho lúa và hoa màu; tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn hồ chứa, đê điều và
các công trình phòng, chống thiên tai.
Các địa phương ven biển
phải đảm bảo an toàn về người, tài sản của Nhân dân và khu nuôi trồng thủy sản,
lồng bè. Các huyện miền núi cần kiểm tra, rà soát kỹ tất cả các vị trí có nguy
cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người
dân chủ động, phòng tránh có hiệu quả.
Hồng Quang – Thế Hùng