Chào mừng quý vị đã đến với Cổng thông tin điện tử huyện Nghi Xuân
Việc làm 07:52 01/08/2023 (291)

Rời Đài Loan, vợ chồng trẻ xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn

Cỡ chữ
Đam mê với nông nghiệp, chăn nuôi, sau khi xuất khẩu lao động từ Đài Loan trở về quê, anh Lê Văn Thắng (SN 1985) cùng vợ Trần Thị Quý (SN 1985) trú ở thôn Song Nam, xã Cương Gián (Nghi Xuân – Hà Tĩnh) đã đầu tư hơn 400 triệu đồng nuôi lươn không bùn.


Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Thắng có diện tích 200m2

Trở về từ Đài Loan sau nhiều năm làm việc xa quê nơi đất khách quê người, tháng 8/2022, anh Thắng, chị Quý đã bắt tay vào xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn. Trên diện tích hơn 200m2 , anh đã xây dựng 18 bể  bằng tường xi măng cao gần 1m để thả lươn.

Nói về cơ duyên đến với việc nuôi lươn này, anh Lê Văn Thắng cho hay:  “Với niềm đam mê nông nghiệp, chăn nuôi nên ngay từ khi còn ở Đài Loan tôi đã tìm hiểu về các mô hình nuôi dúi, nuôi lươn trên mạng. Trở về quê, sẵn có diện tích đất nhà rộng, tôi đã tìm hiểu thêm và quyết định đầu tư xây nhà, xây ô, bể chứa nước để nuôi lươn thương phẩm”.

Vụ đầu tiên, thông qua người quen, anh đã tìm và mua 32.000 con lươn giống (khoảng tổng chi phí 160 triệu tiền giống) với với đủ các loại kích về thả nuôi.


Sau gần 1 năm, lươn đạt trọng lượng từ 02-0,4kg/con.

Theo anh Thắng “ Để lươn phát triển hiệu quả, tôi phải chọn con giống khỏe mạnh, có xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, ban đầu cũng gặp một số khó khăn như thiếu kinh nghiệm, giá cả đầu vào cao. Đặc biệt, lươn khá mẫn cảm với môi trường nước trong bể nên mỗi ngày phải thay nước 2 lần vào sáng và chiều sau khi lươn ăn. Vào mùa hè phải tạo không gian thoáng mát, còn mùa đông phải che chắn để lươn đủ độ ẩm phát triển. Khi lươn càng lớn thì phải mỗi ngày phải thay nước đến 3 lần”.

Vừa thoăn thoắt gỡ từng búi dây dành cho lươn trú ngụ, anh Thắng cho hay, nguồn nước nuôi lươn cần được đảm bảo độ sạch, phòng trừ dịch bệnh. Vì vậy, ngay từ lúc lấy nước từ giếng khoan, anh phải xử lý qua các hệ thống máy lọc nhằm loại bỏ các thành phần tạp chất như phèn, chống độ PH…

“Lươn được cho ăn mỗi ngày 2 lần sáng và chiều và được cho ăn phù hợp với độ tăng trưởng của lươn. Thức ăn chủ yếu là cám. Ngoài ra, chúng tôi còn tìm mua các loại cá tươi của người dân đi biển đánh bắt về xay, trộn cho lươn ăn” chị Trần Thị Quý chia sẻ.


Nuôi lươn không bùn sẽ là hướng đi mới góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương 

Sau gần 1 năm chăm sóc, lươn đạt trọng lượng 0,2-0,4 kg/con, chiều dài khoảng 60 cm. Lúc này, lươn được thương lái tới mua với giá từ 120.000-130.000đ/kg.

Ước tính nếu bán hết vụ nuôi đầu tiên này, sau khi trừ chi phí thức ăn và giống, vợ chồng anh sẽ thu về khoảng gần 150 triệu đồng.

Chưa bằng lòng với kết quả này, anh Thắng đang dự định sẽ tự nuôi lươn giống để giảm chi phí đầu vào và  đi học tập thêm mô hình nuôi dúi để phát triển thêm nghề chăn nuôi này tại địa phương.

Chủ tịch UBND xã Cương Gián Hoàng Văn Hà cho hay: “Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Thắng, chị Quý là mô hình đầu tiên trên địa bàn. Đây sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương trong thời gian tới”.

Đức Đồng


 

 

 

 

 

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Tin đọc nhiểu