Hiện nay Xuân Lam có khoảng 50 hộ dân nuôi ong.
Nghề
nuôi ong lấy mật tại xã Xuân Lam bắt đầu xuất hiện từ năm 2013. Ban đầu chỉ có
một vài hộ dân nuôi để lấy mật phục vụ cho sinh hoạt gia đình, thấy hiệu quả, đến
năm 2015 nhiều hộ dân ở Xuân Lam đã tiến hành nuôi ong.
Ông
Trần Đức Bảo ở thôn 4 là một trong những hộ dân có thu nhập cao nhất từ nghề
nuôi ong lấy mặt tại xã Xuân Lam. Tận dụng khu vườn nhà rộng hơn 1.000m2 nằm
ven chân núi Hồng Lĩnh, ông Bảo đã trồng các loại cây ăn quả kết hợp với nuôi
trên 50 đàn ong được bố trí tại các ổ rải rác xung quanh vườn.
Ông Trần Đức Bảo chia sẻ : “Trong năm 2022, gia đình tôi đã thu về từ tiền bán mật ong được gần 150 triệu đồng. Đàn ong của gia đình tự đi kiếm ăn tự nhiên, một tuần tôi chỉ cần kiểm tra và dọn vệ sinh một lần cho sạch sẽ”.
Nhờ nuôi ong, kinh tế nhiều gia đình đã phát triển.
Theo
bà con Nhân dân ở đây, mặc dù nuôi ong không phải đầu tư nhiều lại cho thu nhập
cao, nguồn thức ăn cho ong chủ yếu là khai thác nguồn hoa tự nhiên từ cây ăn quả
trồng trong vườn nhà và nguồn thức ăn xung quanh khu vực rừng chân núi Hồng
Lĩnh.
Ông
Trần Văn Trực, người có thâm niên gần 10 năm nuôi ong lấy mật tại xã Xuân Lam
cho biết: “Chi phí gây dựng một đàn ong chỉ mất khoảng 1 triệu đồng, mỗi năm có
6 tháng thu mật, bình quân mỗi đàn ong trong năm có thể cho thu hoạch 10 lít mật
nguyên chất. Trong năm 2022, gia đình tôi đã thu hoạch từ gần 40 đàn ong của
gia đình được gần 300 lít mật, nếu bán theo thị trường mỗi lít mật ong có giá
400 nghìn đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, lãi gần 100 triệu đồng”.
Hiện nay trên địa bàn xã Xuân Lam có trên 50 hộ dân tham gia nuôi ong lấy mật, hộ nhiều khoảng 50 đàn, hộ ít cũng 4-5 đàn. Bình quân mỗi năm các hộ dân nuôi ong ở Xuân Lam thu hoạch trên 1.500 lít mật ong nguyên chất. Theo giá thị trường mỗi lít mật 400 nghìn đồng thì mỗi năm người dân nuôi ong Xuân Lam thu về trên 600 triệu đồng.
Mỗi lít mất ong có giá khoảng 400 nghìn đồng.
Ông
Trần Đức Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lam, Nghi Xuân cho biết: “Sắp tới, Xuân
Lam sẽ phối hợp với các chuyên gia về nuôi ong mở các lớp tập huấn cho bà con về
kiến thức bảo vệ cũng như chăm sóc đàn ong nuôi. Xuân Lam cũng sẽ xây dựng và
thành lập mô hình Hợp tác xã về nuôi ong đồng thời tìm đầu ra cho bà con nuôi
ong, qua đó từng bước hỗ trợ bà con ổn định nghề nuôi ong, nâng cao thu nhập, cải
thiện cuộc sống”.
Với
một xã nghèo, sản xuất nông nghiệp đơn thuần như Xuân Lam, việc tận dụng lợi thế
về vùng hoa rộng lớn, dồi dào từ rừng cây ven chân núi Hồng Lĩnh để phát triển
nghề nuôi ong lấy mật là một hướng phát triển kinh mới của người dân. Thiết
nghĩ, ngoài sự tự phát của bà con thì rất cần sự vào cuộc của các ngành liên
quan để hướng dẫn, hỗ trợ về giống, vốn và kỹ thuật nuôi ong, giúp người dân
Xuân Lam có thêm nghề xóa đói giảm nghèo.
Anh Đức - Trung Kiên