Chào mừng quý vị đã đến với Cổng thông tin điện tử huyện Nghi Xuân
Thông tin kinh tế 07:11 04/08/2022 (520)

Nông dân “ốc đảo” Hồng Lam thu hoạch cói

Cỡ chữ
Từ tháng 7 – tháng 9 dương lịch, bà con nông dân “ốc đảo” Hồng Lam, xã Xuân Giang (Nghi Xuân – Hà Tĩnh) tập trung nhân lực xuống đồng thu hoạch cói cho kịp tiến độ để chăm sóc vụ sau.


Những ngày này, mùa thu hoạch cói của người dân người dân “ốc đảo” Hồng Lam đang diễn ra. Do thời tiết, nắng nóng, nông dân nơi đây thường xuyên phải ra đồng thật sớm thu hoạch cói để tránh nắng.


Ông Ngô Kim Văn – người đã có hơn 60 năm sinh sống trên “ốc đảo” cho hay: “Ở đây gần như nhà nào cũng trồng cói (người dân địa phương còn gọi là cây gon). Gia đình tôi từ năm 1985 đến nay năm nào cũng trồng 7-10 sào. Vào mùa vụ, 2 vợ chồng chúng tôi cứ sáng sớm 3-4h sáng là ra đồng thu hoạch đến khoảng 8h sáng thì về xử lý các công đoạn khác. Buổi chiều nước thủy triều dâng nên không thể thu hoạch được”. 


Theo ông Văn, nghề trồng cói đã có ở đây từ những năm 60 của thế kỷ trước. Bởi thổ nhưỡng, đất đai ở đây không phù hợp với cây lúa, lúc ấy có một số người đã lặn lội ra Nga Sơn (Thanh Hóa) tìm hiểu và đưa giống cói về trồng nơi này.


Nghề trồng cói tuy có thu nhập cao hơn so với trồng lúa, nhưng rất vất vả nhất là trong khâu thu hoạch.

 

“Cây cói được thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 9 dương lịch. Sau mỗi vụ thu hoạch, người dân không phải trồng lại cây cói mà chỉ tiến hành làm sạch cỏ, bón đạm vào các gốc đã cắt thì cây cói non sẽ nhanh chóng mọc trở lại và lớn lên cho vụ tiếp theo.. Mỗi sào cói trung bình chúng tôi phải bón đến khoảng 30kg đạm và làm cỏ, diệt sâu bệnh nhất là rầy nâu, châu chấu” ông Nguyễn Thế Ký cho biết.


Để tạo nên sợi cói mềm, dai, phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, cói sau khi thu hoạch được người dân giũ sạch cỏ rác, để chẻ rồi mới đem phơi khô. Trong đó, khâu chẻ cói là quan trọng nhất vì mất nhiều thời gian và công sức, bởi nếu không chẻ cói kịp thời, để héo sẽ rất khó chẻ.


Ông Trần Đình Huynh – người dân nơi đây cho hay: “nếu thời tiết thuận lợi trung bình mỗi ngày 2 vợ chồng thu hoạch được khoảng 1 tạ. Trong đó, khâu chẻ cói là quan trọng nhất. Để tránh cói bị khô, khó chẻ, người dân sẽ thu hoạch tới đâu thì chẻ tới đó. Việc chẻ cói diễn ra ngay trên những cánh đồng hoặc đưa về nhà. Mỗi máy chẻ thủ công gồm 2 người ngồi hai đầu và phải kéo cói cho thẳng, tránh để cói mất gốc hoặc ngọn. Cói sau khi chẻ sẽ dễ phơi khô 2-3 ngày (nếu nắng to) rồi bán cho thương lái.


Giá bán những năm gần đây trung bình 800.000 – 900.000đ/tạ, năm 2021, giá cói lên đến 1,2 triệu đồng/tạ nên bà con rất phấn khởi. Cây cói từ lâu đã trở thành nguồn thu nhập chính, giúp cải thiện đời sống cho các gia đình.


Thôn Hồng Lam hiện có 162 hộ với 540 nhân khẩu. Diện tích đất sản xuất có 145ha, trong đó có 45ha là đất trồng cói.  Do đặc điểm vùng sông nước gặp nhiều khó khăn, thanh niên lớn lên đều đi xa làm ăn nên nhân lực lao động trong nghề cói cũng rất khó khăn.


Ông Nguyến Thế Lục - Trưởng thôn Hồng Lam cho hay: “Toàn thôn có 162 hộ thì có 110 hộ đang trồng cói. Những người còn lại ở làng chủ yếu là người già, họ bám trụ với “ốc đảo” bằng việc trồng cây hoa màu, trồng cói và chăn nuôi. Trong đó, nghề cói là nguồn mang lại thu nhập chủ lực cho những lao động trên 50 tuổi - họ cũng được xem là lao động chính ở làng này. Trước đây, mỗi hộ dân chỉ có 2-3 sào cói. Tuy nhiên, khi nhiều hộ dân bỏ làng ra đi, người ở làng sử dụng diện tích họ để lại nên hiện nay bình quân mỗi hộ làm 7-8  sào cói”.

Đức Đồng – Trung Kiên

 

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Tin đọc nhiểu