Ở người cao tuổi, nguy cơ mắc các bệnh
lý tim mạch, đái tháo đường, máu nhiễm mỡ là rất cao. Nếu biết cách cân bằng
chế độ ăn uống, không những giữ được sức khỏe thể chất dẻo dai mà còn duy trì
được đời sống tinh thần lạc quan với người cao tuổi.
Khi tuổi cao, hoạt động của các cơ quan trong đó có ruột và dạ dày càng suy giảm, răng cũng yếu hơn, giảm vị giác và khứu giác làm cho người cao tuổi giảm cảm giác thèm ăn, dẫn đến ăn uống kém. Việc hấp thu dưỡng chất kém, bữa ăn thiếu cân bằng khiến người cao tuổi thường xuyên đối diện với vấn đề thiếu vitamin và khoáng chất. Chế độ dinh dưỡng cân bằng sẽ giúp cho người cao tuổi tăng sức đề kháng , chống lại bệnh tật.
Giảm ăn đường, tinh bột giúp ngừa bệnh ở người cao
tuổi
Người cao tuổi không nên ăn gì?
So với người trẻ tuổi, người có tuổi có
nhu cầu năng lượng giảm dần. Tuy nhiên, một số ít trường hợp luôn cảm thấy ngon
miệng, ăn nhiều và bị thừa cân mặc dù đã lớn tuổi. Nguy cơ bị suy tim, suy gan,
suy thận, đái tháo đường ở người quá mập là rất cao. Vì vậy để phòng ngừa những
căn bệnh này, người cao tuổi chú ý giảm mức ăn so với thời trẻ.
Mỗi bữa chỉ nên ăn khoảng 1 bát cơm, hạn
chế ăn ngọt, bánh kẹo nhiều đường để phòng tránh đái tháo đường và xơ vữa động
mạch . Thường xuyên theo dõi cân nặng của bản thân và lưu ý cân nặng của người
cao tuổi không nên vượt quá giới hạn bình thường.
Cách tính theo công thức Broca: Thể
trọng bằng số cm của chiều cao trừ đi 100. Ví dụ: người có tuổi cao 165 cm, cân
nặng không nên vượt quá 65 kg.
Trứng lòng đào, các loại thịt chưa nấu chín
Hệ miễn dịch và tiêu hóa của người cao
tuổi đã không còn được khỏe mạnh như khi còn trẻ. Ăn các loại trứng lòng đào,
thịt tái, thịt gia cầm chưa chín kỹ hoặc sushi… có thể gây ra tình trạng nhiễm
trùng huyết và khiến người cao tuổi bị sốc nhiễm trùng. Những thực phẩm tái
sống cũng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella.
Các món nướng, thức ăn chiên rán quá kỹ
Ở người cao tuổi, bộ máy tiêu hóa trở
nên suy yếu, nên khi ăn các món nướng, thức ăn rán kỹ sẽ rất khó tiêu hóa. Các
món rán kỹ còn là nhóm thực phẩm giàu năng lượng, có thể gây tích trữ mỡ, béo
phì.
Những loại thức ăn giàu năng lượng khó
tiêu gây ảnh hưởng đến hoạt động của não, quá trình phát triển xương và làm
tăng rủi ro mắc các bệnh có nguồn gốc từ thực phẩm, đặc biệt là bệnh ung thư ,
đái tháo đường.
Nội tạng, tiết động vật
Đây là những thực phẩm có nhiều
cholesterol, nếu ăn nhiều sẽ gây bệnh tăng huyết áp, Gut, mỡ máu cao, tim mạch
và đái tháo đường.
Tiết sống như tiết canh hoặc uống tiết
sống, tiết pha rượu không tốt cho sức khỏe người cao tuổi vì nguy cơ gây ngộ
độc, nhiễm khuẩn gây bệnh, tăng huyết áp.
Giảm ăn thịt, giảm mỡ, giảm muối
Trong chế độ ăn của người cao tuổi cần
giảm lượng thịt, giảm các món ăn chứa nhiều mỡ. Đối với các chất béo cần hạn
chế, nếu sử dụng quá nhiều gây nên các vấn đề sức khỏe nhất là những người có
vấn đề tim mạch, mỡ máu. Thay vào đó nên dùng dầu thực vật thay mỡ động vật.
Mỗi người cao tuổi không nên ăn vượt quá 1,5 kg thịt/tháng, mỡ dưới 600g, đường
dưới 500g.
Ngoài ra, các loại thực phẩm có hàm
lượng muối cao như dưa cà muối, cá mặn, nước mắm cũng nên hạn chế trong bữa ăn
hàng ngày.
Đồ uống có cồn
Người cao tuổi đang có các bệnh mạn tính
như đái tháo đường hoặc sử dụng một số loại thuốc: thuốc kháng histamine, thuốc
giảm đau, thuốc điều trị tăng huyết áp nên tránh hoàn toàn việc uống rượu bia.
Nguyên tắc ăn uống để ngừa bệnh ở người cao tuổi, nâng
cao sức khỏe trong mùa thu
Ăn tối sớm trước 7 giờ
Người cao tuổi nên uống thêm sữa trước
khi đi ngủ.
Qua độ tuổi 50, hệ tiêu hóa sẽ trở nên
kém hơn, quá trình tiêu hóa chậm hơn. Vì vậy, thời gian ăn cũng cần phải có sự
thay đổi so với trước. Theo đó, người cao tuổi nên ăn trước 7 giờ tối và ăn ít
hơn so với bữa trưa. Thức ăn cũng nên là những thực phẩm dễ hấp thụ, dễ tiêu
hóa nhưng vẫn phải đảm bảo đủ chất. Sau đó, trước khi đi ngủ từ 1-2 tiếng,
người cao tuổi nên uống một cốc sữa nóng, giúp dễ ngủ và ngủ ngon, sâu giấc
hơn.
Tăng cường đồ ăn nóng, lỏng
Thời tiết mùa thu hanh khô, để tăng
cường sức khỏe người cao tuổi nên thay đổi các loại đồ ăn của mùa hè mát mẻ
bằng việc tăng các loại đồ ăn lỏng, nóng thay thế như cháo, hoặc các loại súp.
Chia nhỏ bữa ăn
Nên chia nhiều bữa nhỏ từ 4 đến 5 bữa
trong ngày. Không ăn quá no trong một lần, tránh ăn quá muộn buổi tối, quá gần
giờ ngủ.
Chế biến đa dạng
Khi chế biến thành phần cấu tạo các món
ăn trong bữa ăn hàng ngày nên thay đổi, đa dạng, phong phú, lưu ý nấu các món
có hỗn hợp nhiều gia vị để kích thích ăn ngon miệng, nấu thức ăn mềm để dễ tiêu
hóa và phải có món canh.
Theo SK&ĐS