Chào mừng quý vị đã đến với Cổng thông tin điện tử huyện Nghi Xuân
Quốc phòng 10:49 04/10/2017 (297)

Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nguy hiểm cháy nổ luôn tiềm ẩn

Cỡ chữ
Trong thời gian qua, tình hình cháy, nổ có chiều hướng gia tăng về số vụ và thiệt hại. Chiếm tỷ lệ lớn là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy. Gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chủ quan, thiếu kiến thức PCCC của chủ hộ gia đình và người lao động.


Ảnh minh họa

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 2.364 vụ cháy, làm 51 người chết, 95 người bị thương, thiệt hại về tài sản trị giá 1.177 tỷ đồng. Riêng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (SXKD) xảy ra 904 vụ cháy (chiếm 38,3%), làm 47 người chết (chiếm 92,15%), 79 người bị thương (chiếm 83,15%), thiệt hại tài sản 43 tỷ đồng; Điển hình như vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh hòm, áo quan tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh làm 4 người chết (3/2017)…; mới đây nhất là vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất bánh kẹo tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 8 người chết, 2 người bị thương và thiêu rụi toàn bộ căn nhà (7/2017). Tại tỉnh Hà Tĩnh, 6 tháng đầu năm 2017, đã xảy ra 09 vụ cháy nhà ở, nhà ở kết hợp SXKD (chiếm 53% tổng số vụ cháy), làm 02 người bị thương, tài sản ước tính 420 triệu đồng.

Hiện nay, loại hình nhà ở kết hợp bán LPG chai, may mặc, cắt tóc, kinh doanh chăn ga gối nệm, hàng tạp hóa, dịch vụ nhà nghỉ, karaoke... khá phổ biến và đang có chiều hướng gia tăng. Những ngôi nhà này thường có một hướng tiếp giáp mặt đường, phần lớn ưu tiên diện tích cho kinh doanh, tự ý cơi nới, cải tạo, lắp đặt biển quảng cáo lớn, hệ thống điện mắc nối chằng chịt, hàng hóa sắp xếp cồng kềnh, chắn lối ra vào, chất chứa nhiều vật liệu dễ cháy nổ, không có lối thoát hiểm... khiến công tác tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) gặp nhiều khó khăn.

Nhằm hạn chế về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra tại nhà ở kết hợp SXKD. Chủ hộ gia đình, người lao động cần thực hiện một số biện pháp PCCC như sau:

1. Chủ cơ sở, người lao động phải đề cao trách nhiệm, ý thức trong công tác PCCC, tham gia nghiên cứu, học tập, nắm bắt, tìm hiểu kiến thức về PCCC và các lớp tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ về PCCC khi có yêu cầu.

2. Hệ thống điện phải lắp thiết bị bảo vệ (cầu chì, rơ le, Aptomat…). Không lắp đặt các thiết bị tiêu thụ điện sát sàn, trần, vách… bằng các vật liệu dễ cháy. Thực hiện tắt điện khi không sử dụng.

3. Không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất có nguy hiểm cháy nổ như xăng dầu, cồn, gas, vật liệu nổ và hóa chất dễ cháy khác trong nhà. Không bố trí hàng hóa, vật dụng dễ cháy gần nơi thắp hương, đốt vàng mã…

4. Không bố trí hàng hóa, vật dụng trên lối thoát nạn: cầu thang, hành lang, cửa đi... Trang bị bình chữa cháy, găng tay, khẩu trang lọc độc, dụng cụ phá dỡ…và tìm hiểu cách sử dụng các phương tiện được trang bị.

5. Khi xảy ra cháy, nổ phải sử dụng ngay các phương tiện PCCC tại chỗ dập tắt đám cháy, tổ chức thoát nạn đồng thời báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số máy 114 để dập tắt đám cháy kịp thời.

Phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của mỗi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Hãy tích cực, chủ động phòng ngừa sự cố cháy, nổ ở mọi lúc, mọi nơi; khi xảy ra sự cố cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, xử lý kịp thời, linh hoạt và hiệu quả nhằm giảm tối đa thiệt hại, góp phần mang lại hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà và sự bình yên cho toàn xã hội.

Mạnh Tuấn (PCCC)

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Tin đọc nhiểu