6 lần bị thương vì bom, pháo và không biết bao lần may mắn thoát chết, ông Hồ Sỹ Hóa (79 tuổi, ở thôn Nam Sơn, xã Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) trở về từ chiến trường Quảng Trị với chi chít vết thương. Giờ đây, mỗi khi nhắc lại những ngày đêm chiến đấu trong mưa bom bão đạn của quân thù, ông lại bồi hồi những kí ức xa xưa...
Thương binh Hồ Sỹ Hóa kể chuyện ở chiến trường năm xưa.
May mắn thoát “tử thần”
Năm 1962, ông Hóa lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở Tiểu đoàn 46, tỉnh Quảng Bình. 3 năm sau, ông vào Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 6 (Thừa Thiên Huế) rồi sau đó quay ra Quảng Trị, tham gia chiến dịch Lam Sơn 719 và trận chiến 81 ngày đêm khói lửa ở Thành cổ. Khi đó, ông là chính trị viên Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 271.
Nhớ lại lần đầu bị thương ở cánh tay trái, ông cho biết đó là năm 1965, khi địch ném bom bi xuống ở Đồng Hới (Quảng Bình). Rồi những lần tiếp theo, ông bị thương ở chân, ở đầu… đều tại chiến trường Quảng Trị.
Những kỉ vật năm xưa ở chiến trường được ông Hóa cất giữ cẩn thận.
Chỉ vào ngón chân út và lòng bàn chân từng bị mảnh xác pháo cắt nát, ông kể: “Khi đi trinh sát, một phần bàn chân lìa ra nhưng không có cảm giác đau đớn, vẫn lội khe nước tiếp tục đi. Máu của đồng đội nhuốm trên người nên không biết mình bị chảy máu. Bị thương buổi trưa thì đến chiều mới biết. Lúc đó, da thịt bị thâm lại rồi”.
Với ông, lần kinh hoàng nhất là năm 1972, khi ông bị sức pháo ép trong chiến dịch giải phóng Thành cổ Quảng Trị. Ông Hóa nhớ lại: “2 tay ôm lấy đầu, máu từ 2 tai chảy ròng ròng, người vùi trong đất, cứ tưởng không còn sống được nữa. Đó cũng là lần tôi phải điều trị đến 3 tháng”.
Ở chiến trường, bi đông đựng nước và con dao găm là những vật dụng ông luôn mang theo bên mình
Sau lần đó, một bên tai ông bị điếc hoàn toàn. Ông nói “tôi có phúc lớn” khi nhắc đến những lần ở ranh giới của sự sống và cái chết.
“Có lần tai không nghe thấy gì, tôi nghĩ sao hôm nay bình yên vậy. Đúng lúc nhìn lên trời thì thấy 2 mảnh bom bi ngay trên đầu, giật mình, tôi liền nhảy xuống hào. Rồi có lần vừa xuống hào để vào hầm thì quả pháo rơi ngay miệng hào, nghĩ lần này chết chắc rồi nhưng mãi không thấy pháo nổ, mới biết mình còn sống” - ông kể.
Sống sót trở về là hạnh phúc
Nhiều lần bị thương nhưng ông Hóa không rời trận địa, tiếp tục giữ vững ý chí, chỉ huy chiến đấu. Nhắc đến Thành cổ, ông Hóa rưng rưng nước mắt: “Đó là chiến dịch 81 ngày đêm. 81 ngày đêm trong mưa bom, bão đạn. Lính ta hi sinh rất nhiều. 10 người ra trận thì may mắn được 1 người trở về. Vũ khí ta thô sơ nhưng tinh thần chiến đấu thì luôn sục sôi. Quân đội ta đã chiến đấu quyết liệt để giành lại Thành cổ. Khi đó việc bảo vệ được Thành cổ Quảng Trị có ý nghĩa rất lớn trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris”.
Nhắc đến những năm tháng chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị, những ký ức của thời kỳ mưa bom, bão đạn lại ùa về trong ông.
Sau khi đất nước giành độc lập, ông Hóa tiếp tục sang Lào rồi qua Campuchia làm cố vấn quân sự, đến năm 1983 thì trở về Việt Nam. Năm 1984, vì hoàn cảnh gia đình, ông xin nghỉ chế độ về quê sinh sống. Lúc này, ông là Thiếu tá - Chính ủy Trung đoàn 271.
“Khi ra trận, chúng tôi đều không dám nghĩ đến ngày trở về. 6 lần bị thương, tôi không nghĩ mình còn sống sót. Đến giờ, được trở về với vợ con là điều may mắn và hạnh phúc vô cùng. Tôi may mắn hơn hàng vạn đồng đội, phải mãi mãi nằm lại chiến trường” – ông nói trong nghẹn ngào.
Trở về từ chiến trường khốc liệt, dù mang thương tật nhưng với phẩm chất người lính cụ Hồ, thương binh Hồ Sỹ Hóa luôn năng nổ trong các hoạt động của xã, của thôn xóm. Giờ đây, sức khỏe yếu, mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương năm xưa lại nhói lên, ê ẩm, đau nhức nhưng với ông, những tháng năm chiến đấu ở chiến trường, những trận chiến huyền thoại là kí ức bi hùng không thể nào quên.
Mỗi năm, khi có dịp đi thăm lại Thành cổ và chiến trường xưa, gặp lại những người đồng đội cùng chiến đấu, ông Hóa lại rạo rực về những ngày xông pha trong lịch sử.
Ngoc Loan/Baohatinh.vn
Bình Luận Mới
Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn! Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại