Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nghề làm hàng mã ở Nghi Xuân lắng xuống . Người dân không có nhu cầu cúng tế , đốt bội, đi lễ đền chùa, giải hạn xa hoa lảng phí nên nhiều hộ bỏ nghề . Gần đây , trong dịp lễ, tết phong tục mua sắm, đốt vàng mã quay lại, nhiều người dân có nhu cầu , nhất là trong dịp tết nguyên đán, dù ít, dù nhiều ,người dân đều mua hàng mã cúng ông bà, tổ tiên từ ngày 23 tháng Chạp ông Táo về trời . Xuất phát từ nhu cầu văn hóa cổ truyền của người dân, nghề làm hàng mã ở huyện Nghi Xuân được phục hồi, phát triển mạnh mẽ .
Vào khoảng tháng 11 âm lịch , những chuyến xe ô tô từ Hà Nội, Nam Định và một số tỉnh thành miền Bắc chở vàng thoi , đinh vàng, giấy mã, tiền âm phủ về nhập sỉ cho bà con tiểu thương buôn bán ở chợ Đình, chợ Đò Củi, chợ Đón, chợ Đạm, chợ Bợ huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh . Nhiều hộ làm nghề hàng mã ở xã Xuân Hải , Xuân Phổ, Xuân Hồng,... bận rộn xếp đô – la, tiền âm phủ , cắt giấy “ may áo” người âm . Người dân làng nghề nơi đây chỉ làm “quần áo” giấy của nam nữ thanh niên, trung niên, người già, trẻ sơ sinh, đồ tổ tiên, ông bà, táo quân, thổ công, thổ địa, thần thánh. Các mặt hàng đỉnh vàng, vàng vụn, vàng lá, hia , mũ quan , gương lược nhập về từ Hà Nội, Nam Định. Chị Hoàng Thị Huyền, ngụ tại thôn Hải Hồng, xã Xuân Hải cho biết: “ Nghề ni ( làm hàng mã – TG ) nhà con làm 40 năm rồi. Đời ông đến giờ rồi truyền sang đời nhà con”.
Xã Xuân Hải có 6 hộ làm hàng mã, nhưng hiện nay chỉ còn gia đình chị Huyền và anh Đậu Văn Quang sản xuất đồ mã , 4 hộ khác đã bỏ nghề. Ông Quang không những xếp tiền ,cắt giấy làm “quần áo” của người âm, mà còn sản xuất “ nhà xây” lồi lõm, đồ dùng chia của cho người âm. Những mặt hàng cao cấp này không nhập tại các chợ, mà làm theo nhu cầu từ đơn đặt hàng. Nghề làm hàng mã cao cấp còn có ông Sơn và anh Đậu Văn Tiến ở thôn 8 xã Xuân Phổ . Nghề này do anh Tiến đi bộ đội rồi học nghề ở Huế đưa về làm nghề phụ. Anh Đậu Văn Tiến cho biết: “ Tôi làm nghề hàng mã mà chủ yếu là những người các nơi đến đặt hàng cho tôi làm. Tôi làm để giúp vợ con có công ăn việc làm, còn giúp cho những người hèn yếu mất sức , hộ trợ việc dán giấy làm quanh năm không có ngơi nghỉ”
Nghề hàng mã đã tạo việc làm cho một số thanh niên, người già . Tổ hợp của anh sản xuất các sản phẩm cao cấp quanh năm . Sản phẩm các mặt hàng nhà giấy “ đời mới” nhà trệt lồi lõm, nhà tầng và kiểu nhà “ đời cũ” kết cấu cột kèo, 3 gian tám mái uốn cong kiểu nhà trồng diêm chùa chiền. Sản phẩm đi theo nhà đầy đủ đồ đạc gồm có tàu bè, xe pháo, bàn ghế, gường tủ, đũa bát…theo phong tục chia của cải. Nguyên liệu sản xuất hàng mã được làm xương bằng gỗ, nứa dán giấy thô, giấy màu rất bắt mắt. Tất cả các công đoạn sản xuất đều do vợ con, người già xóm giềng đảm nhiệm. Sản phẩm được làm quanh năm nhưng chạy nhất vào dịp đốt bội rằm tháng 7 và ra tết người dân đi đền Chân Long giải hạn đầu xuân. Bình quân giá bán một bộ nhà đời mới kèm theo đồ chia của là 3. 500.000 đồng, nhà đời cũ 4 triệu đồng. Đầu vào, đầu ra rất ổn định đảm bảo có lãi , thu nhập cao.
Nghề sản xuất hàng mã ở Nghi Xuân không chỉ ở xã Xuân Phổ, Xuân Hải mà nay phát triển khá mạnh . Ở xã Tiên Điền có ông Nguyễn Văn Bình, thị trấn Nghi Xuân có ông Đinh Bá Khai, ông Minh, anh Dũng , anh Việt . Ở xã Xuân Hồng, tại khu vực dưới chân đền Chợ Củi (di tích quốc gia) phát triển thành làng nghề thủ công chuyên sản xuất hàng mã quanh năm , nhưng nóng nhất vào dịp tết nguyên đán. Dân làng nghề đã quen mẫu mã, đầu vào, đầu ra của sản phẩm, họ không những sản xuất hàng bình dân, mà còn làm hàng cao cấp như ngựa, hổ, tòa sơn trang, kiệu , tàu thuyền. Các công đoạn sản xuất đã được chuyên môn hóa do từng tổ nhóm đảm nhiệm. Một bộ phận đen cốt, nhóm khác dán giấy thô, dán giấy màu và hoàn thiện sản phẩm. Dân làng nghề đang tìm thêm nhiều mẫu mã mới . Ông Nguyễn Ban, nguyên trưởng phòng Văn hóa – Thông tin, nghệ nhân dân gian nói về nghề này : “ Trong vấn đề tâm linh , đốt vàng mã là một vấn đề tâm linh của người Việt Nam, cái này có từ ngàn đời nay rồi chứ không phải bây giờ mới đốt vàng mã. Nghề vàng mã giải quyết công ăn việc làm cho người dân tranh thủ lúc nông nhàn . Nghề này nói lảng phí hay không lảng phí là do nhu cầu của người sử dụng, không phải do người làm.” Đốt vàng mã trong dịp tết, lễ hội là một phong tục cổ truyền , từ bao đời nay nhân dân hương khói phụng thờ , tưởng nhớ người đã khuất .Nghề làm vàng mã đã đưa lại niềm vui trong cuộc sống tâm linh và đã giải quyết việc làm cho nhiều người dân . Cũng nhờ nghề này mà nhiều hộ dân khá giả, giàu có .
Nhưng mà hiện nay trào lưu đốt vàng mã cũng gây ra những câu chuyện buồn, phiền toái ở chốn đền chùa, di tích tôn nghiêm. Tại di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đền Chợ Củi còn có hiện tượng người ta đốt tràn lan vàng mã, lảng phí tiền của và nhiều hệ lụy khác như cháy nổ, ô nhiễm môi trường… Trong dịp vui xuân đón tết cẩn giảm việc đốt vàng mã trong lễ cúng tổ tiên, ông bà và đi đền chùa cầu phúc giải hạn đầu năm mới../.
Đặng Viết Tường