Hội nghị trực tuyến về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU)
Sau
5 năm EC thực hiện cảnh báo “thẻ vàng” (từ ngày 23/10/2017) đối với hoạt động
khai thác thủy sản của Việt Nam, các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan và
các tỉnh, thành phố ven biển đã tập trung tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải
pháp chống khai thác IUU.
Đến
nay, khung pháp lý cơ bản đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chống khai thác
IUU. Trên cơ sở triển khai thực tế đã rà soát, sửa đổi bổ sung các thông tư,
nghị định liên quan để phù hợp thực tiễn nghề cá tại Việt Nam và các quy định
quốc tế (Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT; Nghị định số 26/2019/NĐ-CP; Nghị định
số 42/2019/NĐ-CP...).
Bộ NN&PTNT đã công bố và phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản ở vùng khơi; các tỉnh, thành phố ven biển đã công bố hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản ở vùng ven bờ và vùng lộng.
Điểm cầu Nghi Xuân
Tính
đến nay, cả nước đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có
chiều dài từ 15m trở lên đạt 95,27%, tăng 5,1% so với năm 2021. Việt Nam cũng
đã cơ bản ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm ở các nước, quốc đảo
Thái Bình Dương.
Các
lực lượng thực thi pháp luật trên biển (Kiểm ngư, Hải quân, Biên phòng, Cảnh
sát biển và thanh tra thủy sản) tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển;
đặc biệt là tại các khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lấn chưa phân định giữa
Việt Nam và các nước.
Thực
hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước phục vụ hoạt động xuất
khẩu được kiểm soát theo chuỗi quy định, đảm bảo thống nhất với hồ sơ kiểm soát
tàu ra vào cảng.
Tuy
nhiên, hiện nay, công tác chống khai thác IUU vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế đã
được Đoàn Thanh tra của EC khuyến nghị tại đợt kiểm tra lần thứ 3 vào tháng
10/2022 vừa qua. Số lượng tàu cá còn lớn dẫn đến cường lực khai thác chưa cân bằng
với trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng vẫn
chưa chặt chẽ; tỉ lệ sản lượng được giám sát khi bốc dỡ thấp (đạt khoảng 50%);
ghi, nộp và chất lượng nhật ký khai thác chưa đạt yêu cầu (đạt khoảng 45%).
Đặc
biệt, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn
xảy ra, diễn biến phức tạp, chưa hoàn thành được nhiệm vụ Thủ tướng giao (chấm
dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài trước
30/12/2021); chưa đưa ra xử lý các trường hợp có hành vi môi giới, móc nối đưa
tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài để răn đe, giáo dục.
Tại
hội nghi, các địa phương, bộ, ngành, nhà khoa học đã tập trung thảo luận những
hạn chế, khó khăn trong xử lý vi phạm khai thác IUU. Nội dung trọng tâm được
đưa ra bàn luận là tình trạng, giải pháp ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm khai
thác hải sản vùng biển nước ngoài; công tác quản lý hoạt động tại cảng cá; công
tác chứng nhận, xác nhận và truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác; việc theo
dõi, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống VMS…
Phát
biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, tình
hình chống khai thác IUU đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn chưa đạt
được yêu cầu phía EC đề ra. Tháo gỡ “thẻ vàng” là vì lợi ích quốc gia, lợi ích
của người dân, vì hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế.
Trước
mắt, các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch hành động khắc
phục các tồn tại, hạn chế về chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC trong
lần làm việc thứ 3 để chuẩn bị cho đợt kiểm tra lần thứ 4. Tổ chức các đoàn
công tác liên ngành kiểm tra, giám sát việc triển khai các quy định chống khai
thác IUU để kịp thời đôn đốc, hướng dẫn xử lý.
Về
lâu dài, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cả hệ thống chính trị phải thực sự vào cuộc
tập trung tuyên truyền, vận động người dân hiểu đúng tinh thần của Đảng, Nhà nước
trong chống khai thác IUU, tháo gỡ “thẻ vàng” của EC và các quy định của Luật
Thủy sản 2017. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu nâng cao trách nhiệm người đứng
đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo chống khai thác IUU.
Hồng
Quang – Thế Hùng