Điểm cầu Nghi Xuân
Theo
Bộ Công an, trong 5 năm (2017-2021), toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy gồm 15.484
vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng. Thiệt hại
do cháy gây ra làm chết 433 người, bị thương 790 người, tài sản thiệt hại sơ bộ
ước tính 7.043 tỷ đồng và 7.548ha rừng; ngoài ra, xảy ra 2.769 vụ sự cố nhỏ
liên quan đến cháy; xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, bị thương 190 người,
thiệt hại về tài sản 1,14 tỷ đồng.
Trong
8 tháng đầu năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 1.136 vụ cháy, làm 57 người chết, bị
thương 52 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 532 tỷ đồng và 39ha rừng;
ngoài ra xảy ra 2.376 vụ sự cố nhỏ liên quan đến cháy; xảy ra 10 vụ nổ làm 7
người chết, bị thương 11 người. Theo phân tích tình hình cháy, về địa bàn xảy
ra cháy: thành thị xảy ra 9.002 vụ (chiếm 60,37%); nông thôn xảy ra 5.909 vụ
(chiếm 39,63%).
Cháy
và thiệt hại do cháy gây ra vẫn tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, nhà ở
kết hợp kinh doanh (chiếm hơn 45% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất,
kho tàng (chiếm hơn 30% tổng số vụ), trong đó đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt
hại nghiêm trọng về người. Nguyên nhân cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị
điện, chiếm trên 45% tổng số vụ.
Cháy
lớn xảy ra tập trung tại các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế và tốc
độ đô thị hóa nhanh, có nhiều khu công nghiệp, khu dân cư tập trung. Cơ sở xảy
ra cháy chủ yếu là cơ sở sản xuất, chế biến các mặt hàng dễ cháy, nổ với quy
mô, diện tích nhà xưởng lớn trong các khu công nghiệp. Trong 5 năm, xảy ra 193
vụ cháy lớn, chiếm 1,13% tổng số vụ cháy, nhưng gây thiệt hại về tài sản ước
tính 4.337 tỷ đồng, chiếm 61,57% tổng thiệt hại do các vụ cháy gây ra; xảy ra
191 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, làm chết 433 người, bị thương
790 người.
Về tình hình công tác cứu nạn, cứu hộ: trong 5 năm, triển khai nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại Nghị định 83, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã điều động 235.208 lượt cán bộ, chiến sĩ và 30.435 lượt phương tiện tham gia tổ chức cứu nạn, cứu hộ đối với 17.938 vụ cháy nổ, sự cố, tai nạn; trực tiếp cứu được 6.786 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người; tìm được 3.350 thi thể nạn nhân bàn giao cho các cơ quan chức năng xử lý.
Phát
biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Thời gian qua, tình
hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, khó lường, tần suất ngày càng
cao, nhất là tại các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công
nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh… Nhiều vụ gây hậu
quả đặc biệt nghiêm trọng (mới đây nhất là vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy,
Hà Nội ngày 1/8 làm 3 chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ
hy sinh; vụ cháy kho xưởng khiến 3 mẹ con tử vong ở Thanh Oai, Hà Nội ngày
10/9; vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương ngày 6/9/2022 làm nhiều người chết…).
Những
vụ việc nghiêm trọng, thương tâm trên cảnh báo và cho thấy tình hình là khẩn cấp,
đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới cho công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố,
tai nạn, hỏa hoạn, để bảo đảm an toàn tài sản và nhất là tính mạng con người; đặt
sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Thủ tướng yêu cầu phải
phân tích, đánh giá, tìm cách giảm thiểu các vụ việc trên đồng thời đặt vấn đề
tại sao các vụ cháy hay xảy ra ở các cơ sở kinh doanh karaoke.
Trước
tình hình đó, Thủ tướng cùng Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo
điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước,
chính quyền địa phương, cơ quan cấp phép, kiểm tra và các cá nhân liên quan, bảo
đảm tính khách quan, đồng thời, tổ chức hội nghị để kiểm điểm, đánh giá công
tác phòng cháy, chữa cháy và kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị định
83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng phòng cháy, chữa
cháy.
Thủ
tướng nhấn mạnh, phòng cháy, chữa cháy và công tác cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ
rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay bởi kinh tế, xã hội nước ta đang trong
quá trình phát triển, công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ; cơ sở hạ tầng,
kỹ thuật, nhà và công trình cao tầng ngày càng nhiều; hoạt động lao động, sản
xuất, kinh doanh gia tăng; nhu cầu sử dụng năng lượng, hóa chất lớn, dẫn tới
nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn về cháy, nổ, sự cố, tai nạn… Trong khi đó, nhận thức,
hành vi, thói quen về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn của mọi người
còn hạn chế; kỹ năng xử lý, ứng phó khi có sự cố là chưa cao; việc thực thi quy
định pháp luật và hoạt động quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ,
cứu nạn còn hạn chế, bất cập. Thủ tướng lưu ý, quy hoạch phải bảo đảm thông
thoáng, khi có sự cố phải ứng cứu được, các phương tiện cứu nạn phải tiếp cận
được; nhất là các khu đô thị lớn, đông dân cư ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí
Minh. Các quy định chưa “phủ” hết mọi góc cạnh của cuộc sống, do đó cần phải điều
chỉnh kịp thời với tư duy và phương pháp luận mới.
Nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực của hội nghị trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trên phạm vi toàn quốc, Thủ tướng đề nghị các đại biểu với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, thẳng thắn, tập trung đánh giá những kết quả đạt được, đặc biệt là những việc chưa làm được, những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, làm rõ nguyên nhân (khách quan, chủ quan), rút ra những bài học kinh nghiệm, trong đó tập trung vào các vấn đề như: hoàn thiện chính sách, pháp luật; khâu tổ chức thực hiện và công tác quản lý nhà nước; nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm; tăng cường năng lực phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn (nhất là về con người, công nghệ, trang thiết bị…).
Anh Đức - Trung Kiên (TH)